(SGTTO) -  Nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch trên địa bàn, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình, sản phẩm du lịch về đêm.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch), xuất phát từ Quyết định số 1129 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, nhiều địa phương ở Cao Bằng đã và đang có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch đêm trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, UBND huyện Bảo Lạc xác định phát triển dịch vụ du lịch bền vững với nhiều loại hình: du lịch tâm linh, sinh thái, du lịch cộng đồng và các điểm di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Địa phương này cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng, mở rộng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống… theo hướng bảo tồn các không gian văn hóa dân tộc và sưu tầm các món ăn truyền thống đặc sắc bản địa; quy hoạch Khu chợ đêm và khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn, tổ chức vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần.

Khu di tích lịch sử Pác Bó. Ảnh: Trung tâm Thông tin Du lịch

Bên cạnh đó, Cao Bằng sẽ mở rộng không gian tuyến phố đi bộ ven sông Bằng Giang để tạo cảnh quan; nghiên cứu bổ sung thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, điểm trưng bày, quảng bá làng nghề truyền thống, bán hàng lưu niệm... nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch về đêm trên địa bàn.

Theo đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, tỉnh cần có sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn để phát triển dịch vụ du lịch về đêm trên địa bàn. Theo đó, Cao Bằng đang định hướng cơ cấu lại sản phẩm du dịch, nâng cao chất lượng du lịch trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có, khai thác hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới, phát triển du lịch cộng đồng...

Cao Bằng cũng tăng cường kêu gọi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí về đêm, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Những năm gần đây, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cao Bằng có sự tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh này. Cao Bằng vào ban đêm có ít điểm vui chơi, giải trí, tìm hiểu văn hóa bản địa... trong khi địa phương này có nhiều điều kiện để phát triển du lịch đêm, tài nguyên du lịch phong phú.

Cụ thể, địa bàn tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, quần thể hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén và trên 30 hang động. Toàn tỉnh có 214 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm chiến thắng biên giới năm 1950.

Cao Bằng là địa phương có đa số dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể như nghi lễ Then của người Tày, lễ hội Nàng Hai, lễ hội đền Kỳ Sầm... cùng nhiều món ăn như bánh cuốn, phở chua, thịt vịt, bánh coóng phù...

Với mong muốn kéo dài thời gian lưu trú của du khách và có thêm sản phẩm du lịch về đêm, Cao Bằng đã khai trương tuyến phố đi bộ Kim Đồng và chợ ẩm thực từ tháng 10-2019 vào tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần (từ 18:30-23:00). Sau một thời gian hoạt động, phố đi bộ Kim Đồng thu hút trung bình 2.000-3.000 người mỗi đêm. 

N.K.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây