(SGTT) - Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng (Măng Cành, Kon Plông, Kon Tum) là một trong những thửa ruộng với cảnh sắc cùng không gian tĩnh lặng. Tuy không "bạt ngàn", nổi bật như ruộng bậc thang tại Yên Bái hay Hà Giang nhưng Kon Tu Rằng cũng mang vẻ đẹp riêng, thể hiện một phần văn hoá của người miền núi giữa muôn vàn cảnh sắc của đại ngàn Kon Tum.
- Về Na Hang tham gia Lễ hội mùa vàng, bay dù lượn ngắm ruộng bậc thang
- Đẹp bất ngờ ruộng bậc thang Tu Mơ Rông mùa nước đổ
Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng nằm cách trung tâm thị trấn Măng Đen khoảng 10km. Để đến được đó, bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô đều được. Bạn đi theo hướng khu 37 hộ đến làng Kon Tu Rằng. Sau đó tiếp tục đi xuyên qua ngôi làng đó đến cuối đường, bạn sẽ thấy một ngôi nhà của kiểm lâm ở ngã ba. Bạn có thể gửi phương tiện của mình ở đó, để tiếp tục đi bộ xuống một con dốc khoảng 10 phút để đến với ruộng bậc thang Kon Tu Rằng.
Khác với nhiều cánh đồng khác, ruộng bậc thang ở Kon Tu Rằng không có những xóm làng trên đó mà nằm tách biệt trong một thung lũng ngay dưới chân núi Ngọc Lễ hoang sơ. Một bên của cánh đồng được bao bọc bởi dòng sông Đăk S’Nghé chảy qua, ngay phía tả ngạn của dòng sông là ngọn đồi nơi cư dân làng Kon Tu Rằng sinh sống từ bao đời nay.
Thời điểm tốt nhất để đến tham quan ruộng bậc thang Kon Tu Rằng là vào tháng 6, tháng 7. Đây là thời điểm các ruộng lúa tại đây bắt đầu chín và ngả sang màu vàng. Đây cũng sẽ là thời điểm vàng để bạn có thể đến đây để săn những bức ảnh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, nếu bạn có thời gian thì từ ruộng bậc thang bạn có thể trekking lên đỉnh Ngọc Lễ để có thêm trải nghiệm đáng nhớ cho chuyến thám hiểm Măng Đen của mình.
Để đến cánh đồng, người dân và du khách phải đi qua một chiếc cầu treo, một quần thể kho lúa được dựng lên ngay bãi đất trống phía cuối cầu treo, đây là nơi lưu giữ lúa để người dân ăn dần và làm giống cho mùa sau. Điều lạ là tất cả các kho thóc của người Xơ Đăng hay còn gọi là người Mơ Nâm, đều dựng cách xa làng, được làm từ những vật liệu đơn sơ, không có người canh giữ, không ai bảo vệ nhưng chưa hề xảy ra tình trạng mất cắp. Kho nhà nào thì nhà nấy dùng, tuyệt đối không xâm phạm lúa thóc của người khác. Kho thóc trở thành biểu tượng cho sự khá giả, đoàn kết của cả làng.
Ông A Diêu, Bí thư chi bộ thôn ở Kon Tu Rằng chia sẻ với báo Gia Lai điện tử , từ xa xưa, dân làng rất yêu mến và tôn trọng nhau nên không có trình trạng dân làng trộm cắp lúa trong kho. Nhưng nếu có người nào trộm cắp tài sản thì tùy số lượng bị mất cắp mà có thể bị già làng phạt nộp gà, heo, trâu, bò hoặc nặng hơn là đuổi ra khỏi làng".
Thái Tài - Nhã Lý