Sự tiện lợi và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao đã giúp kinh doanh thực phẩm online (trực tuyến) ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Thế nhưng, để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh này lại không đơn giản, nhất là thực phẩm “nhà làm” phục vụ tết.
- Bánh trung thu "nhà làm": ăn ngon phải đi cùng với hợp vệ sinh
- Buôn bán “thực phẩm quê” ở khu chung cư
- Mua bán nước mắm nhà làm trên mạng
Không khó để người tiêu dùng có thể tìm hiểu, đặt hàng trên các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, các trang rao vặt những món ưa thích ngày Tết: măng hầm chân giò, thịt kho trứng, bánh chưng, chả lụa cho đến chè Thái Nguyên, rượu cốm Tú Lệ, hạt điều Bình Phước, lạp xưởng cá lóc Đồng Tháp, mắm cua đồng An Giang, miến dong Lào Cai, thịt bò một nắng Gia Lai… Và thường những địa chỉ, món ăn được quảng bá handmade, nhà tự làm được xác định là đặc sản vùng miền, món “độc lạ” lại đắt khách trong ngày giáp Tết.
Theo Cổng thông tin Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để tránh tình trạng thực phẩm không an toàn, nhiễm hóa chất độc hại, gần đây người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm nhà tự làm để được an tâm. Mô hình kinh doanh này chủ yếu tin tưởng nhau. Quá trình mua bán, khách phản hồi, người bán tiếp thu có chọn lọc để có thay đổi phù hợp; mặt hàng phong phú, được người quen “bảo chứng” về chất lượng, được đưa đến tận nơi nên dù giá bán cao hơn so với giá thị trường vẫn được lựa chọn.
Tuy nhiên việc kinh doanh này đa phần từ các cơ sở, hộ gia đình chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên hầu hết không có giấy phép, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền và chưa đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, giai đoạn giáp Tết Nguyên đán, người mua thường dễ dãi, còn người bán cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều mong bán hết hàng, có thể gian dối cả hàng lỗi, xấu, hỏng, không đảm bảo vệ sinh trong chế biến, thì nguy cơ người tiêu dùng mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng là rất lớn.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, phần lớn người bán thực phẩm trên mạng không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng trong kinh doanh trực tuyến. Đơn cử như mật ong rừng là sản phẩm pha chế, kém chất lượng; thực phẩm đông lạnh hết hạn được phù phép, sửa hạn sử dụng, thậm chí cung cấp thực phẩm giả chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép rồi nói là sản phẩm “nhà làm” để đánh lừa người tiêu dùng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương khuyến cáo, thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ; nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện bài bản, khoa học. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm dinh dưỡng, không nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh…
Vì lẽ đó, nếu mua hàng qua mạng xã hội trong những ngày giáp Tết này, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc thực phẩm… Nên chọn mua thực phẩm đã được công bố, lựa chọn thực phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Về phía cơ quan quản lý, dù là sản phẩm nhà tự làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng sớm có quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi về quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng như việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng, để người sản xuất – kinh doanh tuân thủ.
Thái Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online