Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cận Tết cùng khó khăn kinh tế, nhiều người đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội

(SGTT) – Mất việc làm, thu nhập sụt giảm hoặc lo ngại ‘mất quyền lợi’ khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực vào năm 2025… đã khiến nhiều người lao động trên địa bàn TPHCM quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống, giải quyết một số khó khăn trước mắt.

Rút nguồn lâu dài để giải quyết nhu cầu trước mắt 

Ghi nhận tại trụ sở cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức (TPHCM), dù chỉ mới hơn 7 giờ sáng, nơi đây đã có rất đông người dân ngồi xếp hàng, chờ lấy số để làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, có không ít người đã đến trụ sở này từ 2-3 lần. Nguyên nhân là do những đợt trước, một số người đến muộn nên không còn số hoặc có sai sót về thông tin trong sổ bảo hiểm xã hội, phải quay về bổ sung.

Đứng trước cổng để kiểm tra giấy tờ trước khi vào làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, anh Nguyễn Văn Phụng Em (quê ở Đồng Tháp) cho biết sau hai năm thất nghiệp do dịch Covid-19, đến hiện tại, anh vẫn chưa có việc làm ổn định, chỉ một số công việc thời vụ với mức lương ít ỏi. Do không thể tiếp tục gắng gượng, anh đã quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Với 8 năm làm bảo vệ trước đó, “tôi sẽ nhận được về hơn 50 triệu đồng, số tiền dùng để trang trải cuộc sống trước mắt. Dù biết rất là thiệt thòi trong tương lai nhưng vì cuộc sống gặp khó khăn nên phải rút. Nếu không rút, tôi không có tiền chi tiêu”, anh Phụng Em chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Phụng Em (quê ở Đồng Tháp) kiểm tra giấy tờ trước khi vào làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại trụ sở cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức. Ảnh: Minh Thảo

Tham gia bảo hiểm xã hội hơn 7 năm, chị Hoàng Thị Nghĩa, công nhân của một công ty dệt may tại thành phố Thủ Đức, cho biết sau khi nghe đồng nghiệp nói nhiều về việc nếu để qua năm 2025 khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, công nhân không rút được bảo hiểm xã hội một lần. Lo sợ mất ‘quyền lợi’ nên chị Nghĩa cũng nộp đơn xin nghỉ việc, chấp nhận rút bảo hiểm xã hội và không cần quan tâm đến tương lai.

Ngoài ra, với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng (nếu không tăng ca), chị Nghĩa phải chi tiền trọ, tiền sinh hoạt, nuôi con… nên hầu như không có khoản tiền tích lũy. Nguồn tích lũy duy nhất mà chị dựa vào lúc khó khăn chính là khoản bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là tất yếu.

Không chỉ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức, thời gian vừa qua, hầu hết các cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn TPHCM đều tiếp nhận rất đông người lao động đến rút bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng lao động không có việc làm, người mất việc không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là những nguyên nhân khiến người lao động quyết định số rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nhiều người lao động mất việc quyết định đến Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức để rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Minh Thảo

Nói về tình trạng người dân đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội trong thời gian vừa qua, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết năm 2023, có khoảng 112.000 người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. So với số lượng người rút bảo hiểm xã hội năm 2022, tỷ lệ người rút bảo hiểm tăng 3,9%.

Nhiều người dân đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội đã gây nên tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm ở các cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức… Theo ông Hà, tình trạng một số trụ sở bảo hiểm xã hội của các quận, huyện lúc nào cũng có đông người đến chờ được rút bảo hiểm xã hội một lần do có ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, hiện nay, việc giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần không phân biệt nơi cư trú, nghĩa làngười lao động có thể nộp hồ sơ tại bất cứ cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nào trên cả nước. Tuy nhiên, đa số người lao động ở TPHCM là từ địa phương khác đến, chưa rõ quy định này nên mới nộp hồ sơ tại TPHCM, nhất là người dân làm việc ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang…

Ông Hà cũng cho biết nguyên nhân thứ hai là do người lao động mất việc vì suy thoái kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Điều này khiến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, thậm chí phải nghỉ việc.

Thời điểm vào năm 2021, 2022, thậm chí trong năm 2023, số lượng người bị sa thải do mất việc làm tăng đột biến. Trong khi đó, một số trụ sở bảo hiểm xã hội các quận, huyện còn chật hẹp như quận 12, huyện Hóc Môn, thành phố Thủ Đức… Cùng với đó, số lượng biên chế của một số trụ sở còn ít nên bảo hiểm xã hội bị quá tải. Do đó, có tình trạng người dân phải trải chiếu, giăng mùng mền… trước cổng một số đơn vị để chờ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nguyên nhân thứ ba là do Luật bảo hiểm xã hội đang sửa đổi nên có nhiều thông tin liên quan đến quy định mới về việc rút bảo hiểm xã hội một lần. “Tuy nhiên, các thông tin truyền miệng và đăng tải trên một số trang mạng xã hội không phải là những nội dung chính thống. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động khi tiếp cận thông tin chưa hiểu đúng nên có tâm lý hoang mang, đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Hà chia sẻ.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần dự báo tiếp tục tăng

Với kinh nghiệm xử lý hồ sơ nhiều năm qua, ông Hà nhận định do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau dịch Covid-19, trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân sự nên năm 2024, dự báo số lượng người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm một lần sẽ tiếp tục tăng.

Liên quan đến vấn đề trên, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã có một số phương án, không để xảy ra tình trạng quá tải, người lao động phải xếp hàng xuyên đêm như tại một số thời điểm trong năm 2022, 2023 vừa qua. Theo đó, các đơn vị nhận hết hồ sơ bảo hiểm xã hội một lần của người dân đến nộp trong ngày kể cả sau khi hết giờ làm việc. Ngoài ra, “đơn vị cũng tiếp nhận hồ sơ thông qua hệ thống bưu điện, nộp hồ sơ trực tuyến… Dù chúng tôi đã làm nhiều điểm hồ sơ nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng này. Vì vậy, bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tiếp tục khắc phục trong thời gian tới”, ông Hà cho biết.

Dù việc làm cải thiện nhưng tỷ lệ lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2023 vẫn tăng so với năm 2022. Ảnh: Minh Thảo

Về ‘lỗ hổng’ trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (thành phố Thủ Đức), cho biết hiện đang có rất nhiều người tìm cách nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Họ tính toán thời gian, xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong một năm đó, họ đi làm thời vụ cho các công ty, sau một năm lại nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Như vậy, người lao động vừa có việc làm vừa nhận thất nghiệp, mà không phải đóng bảo hiểm xã hội. Đây có thể chính là ‘kẻ hở’. Do đó, ông Hồng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại bởi tình trạng này có thể khiến cho chính sách của bảo hiểm xã hội có thể bị hiểu lệch hướng, cũng như khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ông Hồng cũng đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến các doanh nghiệp và người lao động. Bởi hiện nay, có rất nhiều công nhân quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần là do chưa hiểu rõ những quy định, chính sách.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền cho người lao động, đại diện bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết các đơn vị cũng cần có những chính sách để duy trì việc làm cho người lao động như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; cho vay ưu đãi, hỗ trợ tiền để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… Việc thực hiện tốt các chính sách sẽ góp phần giải quyết bài toán về tài chính ngắn hạn cho người lao động, giúp họ có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến bảo hiểm một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

10 điểm nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội sửa...

0
(SGTT) -  Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội, cho biết Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều...

Cảnh báo giả mạo văn bản trên ứng dụng VssID

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra thông báo tình trạng giả mạo văn bản, yêu cầu cập nhật ứng dụng...

Hơn 10 triệu lượt liên thông dữ liệu ứng dụng VssID...

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID....

Những bệnh nghề nghiệp nào được đề xuất hưởng bảo hiểm...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó,...

Đề xuất bổ sung nhóm người tham gia bảo hiểm thất...

0
(SGTT) -  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng nhóm người và linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất...

Nhiều hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm mức đóng bảo...

0
(SGTT) - Nhóm 13 hiệp hội doanh nghiệp gửi kiến nghị đến bộ, ngành liên quan về việc quy định tỷ lệ đóng bảo...

Kết nối