NGỌC HÙNG thực hiện -
Đồng Nai, tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, vừa qua có nhiều hộ chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất cấm là chất tăng trọng, tạo nạc. Theo quan điểm của mình, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng một mặt người tiêu dùng cần thay đổi thói quen thích thịt heo nhiều nạc, mặt khác cơ quan quản lý phải xử phạt thật nặng mới hy vọng giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Sài Gòn Tiếp Thị: Hiện đang rộ lên thông tin một số người nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng chất cấm (chất beta-agonist). Vì sao họ lại làm như vậy?
- Ông Nguyễn Trí Công: Theo tìm hiểu của tôi, những hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm để giúp con heo tăng trọng, nhiều nạc thường là do làm theo yêu cầu của thương lái. Còn thương lái thì viện dẫn là vì người tiêu dùng thích ăn thịt heo nhiều nạc nên phải sử dụng chất này để tạo nạc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chất tạo nạc mà người chăn nuôi đang sử dụng là một chất nằm trong danh mục thuốc y tế và theo tôi biết chỉ được lưu hành với một tỷ lệ nhỏ. Nhưng trên thị trường hiện vẫn có thể mua với số lượng lớn. Như vậy, chúng ta cũng cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân chất này lại được bán nhiều trên thị trường.
Năm 2011, các cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sau đó mọi việc lắng xuống. Nay tình trạng này lại xuất hiện, theo ông, làm sao để giải quyết được gốc rễ vấn đề?
- Theo quy định hiện nay, khi đoàn kiểm tra phát hiện một lô heo nào đó có chất cấm vượt ngưỡng cho phép, đầu tiên là xử phạt hành chính với mức phạt tiền 15 triệu đồng và bắt người vi phạm phải nuôi thêm 10-15 ngày để chất cấm này không còn trong thịt trước khi đưa ra thị trường.
Cách này, theo tôi là không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bằng chứng là sau một thời gian cơ quan quản lý lại phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm. Và nếu mọi việc không thay đổi, trong thời gian tới chuyện cơ quan quản lý tiếp tục phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm là điều dễ dàng đoán trước.
Vì thế, theo tôi, cách tốt nhất là phạt thật nặng. Ví dụ, nếu cơ quan quản lý phát hiện một xe tải chở heo đi tiêu thụ có chất cấm là tiêu hủy ngay toàn bộ. Sau đó, tìm hiểu xem hộ dân hay trang trại nào đã nuôi và có lệnh cấm xuất chuồng trong hai tháng, rồi đến cấm nuôi một thời gian. Có làm mạnh như vậy, những hộ dân và trang trại chăn nuôi khác sẽ không dám sử dụng chất cấm, còn thương lái cũng không thể tùy nghi như hiện nay. Cứ phạt thật nặng, mới may ra giải quyết được vấn đề này.
Khi mới thành lập hiệp hội (tháng 11-2011), ông đã có chương trình nói không với chất cấm và có vẻ tiếng nói của hiệp hội vẫn chưa được quan tâm nhiều.
- Hiện hiệp hội chúng tôi có khoảng gần 400 hội viên và lúc cao điểm số lượng heo của các hội viên chiếm khoảng 40% tổng đàn heo cả tỉnh. Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với khoảng 1,6 triệu con. Đa phần nguồn thịt heo là cung cấp cho thị trường TPHCM. Trong thời gian qua, các hội viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã ký cam kết không sử dụng chất cấm và hiện tại chưa có thành viên nào bị phát hiện có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Những hộ dân đã bị phát hiện chưa là thành viên của hiệp hội. Tính đến thời điểm này, chứng tỏ chúng tôi đã làm tốt phần nào công việc của mình.
Liệu giá thịt heo trên thị trường sẽ giảm mạnh sau khi rộ thông tin cơ quan quản lý phát hiện có chất cấm trong chăn nuôi hay không?
- Hiện giá heo vẫn ở mức 45.000 đồng/kg, mức giá ổn định trong nhiều ngày qua dù đang rộ lên thông tin nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang tiêu thụ khá mạnh heo nguyên con từ các tỉnh phía Nam nên giá cả vẫn đang ổn định.
Xin cảm ơn ông.