Câu chuyện người phụ nữ giả mang bầu, lừa lấy tiền quyên góp từ những người tốt bụng là bác tài xe buýt và những hành khách trên xe buýt sau hai tuần lễ đã thành chuyện nguội ngắt và cộng đồng mạng xã hội đã thôi không còn ý kiến nữa.
Nhưng có điều ai cũng biết là bác tài đó, những người qua đường đó và nhiều người khác nữa chắc chắc sẽ tiếp tục giúp đỡ những người bầu bì gặp khó, trẻ em và người già cơ nhỡ… trong những tình huống tương tự kế tiếp vì họ là người tốt.
Và còn người phụ nữ giả mạo bầu bì đó sẽ nhớ, ít nhất là trong trường hợp người này liều lĩnh tái phạm: sự hiện diện khắp nơi của chiếc camera. Bởi vì hình ảnh của cô ấy rõ mồn một, nếu không được camera của xe buýt ghi lại thì cũng được hành khách đi xe chụp lại – có thể vì họ muốn tiếp tục giúp người phụ nữ đó sau khi sinh, chắc là như vậy. Trong sự việc này camera thật là hữu ích.
Tôi nghĩ đến một phần mềm ứng dụng hữu ích cho xã hội mà gần đây được Trung Quốc sử dụng cho hệ thống camera giám sát ở nước này. Phần mềm này nhận diện tất cả mọi người dân theo số an sinh xã hội và tích điểm an sinh cho người làm việc tốt, sống tích cực, không xả rác, giúp đỡ người khác, ăn uống xanh và sạch (như mua các loại thực phẩm hữu cơ, ăn ít béo…) hay tập luyện tốt, đọc sách… và cả thể hiện thái độ yêu thích với những điều tốt đẹp, như mua vé xem tập luyện thể thao, thi đấu quốc tế, ngắm nhìn những người tập luyện. Những người được tích điểm cao sẽ được tăng lợi ích về chính sách an sinh xã hội nếu họ không may bị thất nghiệp hoặc được hưởng lương hưu cao khi về già. Ngược lại, những người hút thuốc, xả rác, cư xử kém văn minh sẽ bị trừ điểm an sinh và hậu quả là chính sách an sinh xã hội khi họ về già sẽ bị ảnh hưởng.
Người dân Trung Quốc đứng trước một sự chọn lựa: phải thay đổi dù là có khó chịu vì nếu không người ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh của tuổi già không được sự bảo đảm của chính sách an sinh hay nguy cơ bị thất nghiệp hoặc hay bị từ chối tuyển dụng. Có lẽ với hệ thống camera rộng khắp và một phần mềm ứng dụng đánh vào cuốn sổ an sinh này sẽ là một bài luyện tập của Chính phủ Trung Quốc dành cho các công dân của họ luyện tập để được tốt hơn, văn minh và sống tích cực hơn.
Rất nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc phản ứng tích cực với ứng dụng này, bên cạnh đó nhiều người quen lối sống thiếu kỷ luật dĩ nhiên không thể thích. Những người phản đối cho rằng đó là sự theo dõi, rằng làm mất sự riêng tư cá nhân, còn những người ủng hộ thì tin rằng cách đó sẽ giúp người dân sống có ý thức tốt với môi trường sống và sức khỏe và sự an toàn xã hội – những vấn đề nóng mà bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng phải đương đầu. Bản thân tôi cho rằng những ứng dụng giúp người ta học cách sống lịch sự, văn minh và trong một chừng mực nào đó giúp mọi người bình tĩnh hơn với các hành vi ứng xử của mình là điều tốt và nên sử dụng.
Phương Anh (TPHCM)
Tôi xin có ý kiến: thứ nhất, cần đảm bảo hệ thống camera được gắn đồng bộ và dữ liệu được thu thập, lưu trữ và sử dụng đúng mục đích là nhắc nhở, tuyên truyền và xử phạt nghiêm. Tôi đang tạm trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, được coi là khu văn minh, camera cũng gắn khắp nơi, nhưng những chuyện không văn minh vẫn lan tràn khắp nơi mà không thấy ai bị nhắc nhở, xử lý (đậu xe sai luật, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, lưu thông trên đường không nhường đường cho người đi bộ trên vạch kẻ đường…)
Thứ hai, cần đảm bảo tính riêng tư của tất cả các cá nhân và quyền con người trong việc khai thác, sử dụng các dữ liệu từ camera, đảm bảo sử dụng dữ liệu đúng mục đích, không để bất kỳ ai lạm dụng hình ảnh từ camera để vi phạm các quyền cá nhân.