(SGTT) – Đối với nhiều người, đi câu không chỉ là việc thả mồi, quăng cần mà còn là một nghệ thuật khéo léo về làm mồi câu, kỹ thuật kéo cần. Mang lại cho người đi câu cảm giác thư giãn cũng như luyện tập tính kiên trì, nhẫn nại.
- Khi các “cần thủ” du lịch câu cá giữa biển khơi
- Trở về với núi rừng tại trảng cỏ Bù Lạch, Bình Phước
- Do đâu mà con trâu lại là đầu cơ nghiệp?
Đầu tư tiền triệu để đi “cắm câu”
Trước đây, người ta thường nói “về quê cắm câu” với hàm ý bước đường cùng, không còn nghề gì để làm thì về quê đi cắm câu và cũng vì đồ nghề cho công việc này cũng không quá phức tạp, đơn giản chỉ là chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, cái phao, cái lưỡi sắt, nơi đâu cũng có.
Nhưng ngày nay, đi “cắm câu” lại trở thành thú vui thư giãn của nhiều người thành thị, không kể tuổi tác hay nghề nghiệp. Ngoài ra, đồ câu hiện nay cũng đầy đủ phụ kiện hiện đại với nhiều mức giá, nhiều người còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đặt mua một chiếc cần câu.
Mỗi người sẽ có một kiểu câu riêng của mình. Người thích câu ở sông suối tự nhiên, người thích câu ao hồ giải trí, người mua mồi để câu, người lại tự chế mồi riêng để mang đi.
Anh Nguyễn Minh Quân ở quận Bình Thạnh, TPHCM, chủ một cửa hàng bán dụng cụ câu cá và cũng là một "cần thủ" cho biết: để lựa chọn một chiếc cần câu phù hợp, người câu phải xác định được nhu cầu của bản thân, từ đó lựa chọn được cần câu phù hợp như cần câu máy hay cần câu tay và cũng cần chú ý đến các thông số như chiều dài cần, tay cầm, độ nhạy của cần. Giá các loại cần câu hiện nay từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng/cần câu.
Ngoài ra, còn có các phụ kiện đi kèm như máy câu, dây câu và phao câu, túi đựng… để phục vụ nhu cầu di chuyển thuận lợi, cũng như việc “dắt cá” về bờ thành công, đã tiêu tốn của người chơi hàng triệu đồng.
Tuy nhiên, với nhiều người, chuyện câu được cá là cả một nghệ thuật. Không chỉ là cần câu xịn, mồi câu độc mà các "cần thủ" phải biết cách chọn thời điểm, vị trí để thả cần câu cho từng loại cá.
Nghệ thuật “cắm câu” và thú vui thư giãn
Tại khu vực hồ câu cá công viên Hoàng Văn Thụ ở quận Tân Bình, TPHCM, cứ mỗi dịp cuối tuần, hàng chục “cần thủ” lại tụ họp về đây cùng nhau thả cần và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Anh Tùng ở quận Gò Vấp, TPHCM cho biết anh tham gia môn câu cá này đã được hơn hai năm và anh luôn dành thời gian để đến đây vào hai ngày cuối tuần. Giá câu tại đây từ khoảng 150 ngàn đồng/4 giờ/cần câu, sau đó chủ hồ sẽ tính thêm 30 ngàn đồng/1 giờ câu tiếp theo.
Tại hồ câu này chủ yếu có các loại cá như cá tra, cá chim, cá chép… tùy vào kinh nghiệm của mỗi cá nhân mà sẽ có cách làm mồi câu riêng để “chinh phục” từng loại cá. Nhiều người thường dùng mồi câu như côn trùng, cám, bánh mì… còn anh sẽ dùng công thức trộn mồi của riêng mình gồm cháo gói, sữa bò và bột béo.
Vừa trò chuyện với phóng viên, anh cẩn thận mang ra 5-6 loại dây câu, lưỡi câu từ chiếc ba lô mang theo, khéo léo nặn mồi vào lưỡi câu rồi quăng cần ra giữa hồ.
“Khi nặn mồi, mình không được nặn mồi quá mềm hay quá cứng vì nếu mềm quá thì khi quăng cần mồi sẽ rơi ra trước khi xuống nước nhưng nếu mồi cứng quá sẽ khó tan dưới nước, cá sẽ không nghe mùi và không ăn được”, anh Tùng nói.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm, anh Tùng nói kỹ năng đầu tiên của người đi câu là phải có phản xạ tốt và không được nóng vội. Cá ăn mồi, cần rung nhưng không có kỹ thuật thì khó có thể đưa cá lên bờ. Đặc biệt khi dính được cá lớn, phải dìu cá vừa kéo vừa thả, vì nếu kéo căng và mạnh quá sẽ gãy cần, đứt dây, nhiều khi anh phải mất 20-30 phút chỉ để kéo cá lên bờ. Anh cũng cho biết thành tích anh có được sau nhiều năm đi câu là một con cá tra nặng 11kg.
Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn bọt khí trên mặt nước là có thể biết đó là loại cá gì, đặc tính của loài cá đó như thế nào để tìm giờ cá ăn mồi và cách câu thích hợp như câu lăng xê, câu lục hay câu đài, anh cho biết thêm.
Còn tại hồ câu công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, TPHCM, hoạt động giăng câu cũng sôi nổi không kém. Đối với anh Đặng Huỳnh Tiến Thức ở quận Bình Tân, TPHCM, việc đi câu của anh cũng như những bạn câu bên cạnh anh không phải là vì cá. Mà đối với anh, khoảng thời gian thả câu này, là giây phút để tìm thấy sự bình yên giữa những bon chen, tấp nập chốn thị thành.
Mỗi khi đi câu, anh Thức phải quan sát kỹ mặt hồ trước để quăng cần, sau đó chờ đợi, có khi đi cả ngày với hàng chục lần quăng mồi cũng chẳng được con cá nào, nhưng anh vẫn cảm thấy vui vẻ và thoải mái.
“Mình thấy đi câu thú vị lắm chứ, thậm chí nó còn là môn luyện cho con người ta sự kiên nhẫn, đôi tay dẻo dai, óc quan sát”. Anh Thức cho biết thêm.
Có thể nói, đi câu cá đang là thú vui giải trí lành mạnh của nhiều người. Trong không gian thoáng mát của cây cối, mặt nước. Người ta sẽ bình tâm hơn trước những xô bồ của cuộc sống.
Minh Hoàng