(SGTT) - Hiện nay, các gia đình có trẻ nhỏ đã có nhiều biện pháp giúp các bé phòng tránh những tai nạn như điện giật, bỏng hay té ngã vào các vật dụng nhọn cứng trong nhà.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên tham khảo các tiêu chuẩn nhà an toàn được pháp luật và các cơ quan y tế quy định để cải tạo ngôi nhà thành nơi an toàn cho con trẻ.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến thôi nôi con trai của vợ chồng anh Lê Nguyên Thiên (TPHCM). Anh Thiên cho biết, bé Minh con trai anh đã biết bò lê quanh nhà mà lại rất hiếu động nên lúc nào vợ chồng anh cũng thay phiên trông chừng bé vì sợ bé va vấp vào đồ dùng hay ngã vào bộ ghế gỗ trong phòng khách.
Chú ý từng chi tiết
Anh Thiên không yên tâm vì vợ sắp phải đi làm lại, bà ngoại lại không khỏe để trông nom bé Minh cả ngày nên anh bàn với vợ cải tạo lại nhà cửa sao cho an toàn cho con.
Lên mạng tìm hiểu, anh mới biết nhiều chi tiết, vật dụng trong nhà gần tầm tay trẻ em có thể gây nguy hại nhưng trước kia anh cũng không ngờ tới.
Cục Quản lý Môi trường thuộc Bộ Y tế từng thống kê mỗi năm trung bình nước ta có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Yếu tố môi trường sống tại nhà là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích cho trẻ.
Do đó, các gia đình cần rà soát lại các yếu tố có nguy cơ gây tổn thương cho trẻ như ngã từ cửa sổ, cầu thang, gạch trơn trong phòng tắm và ngoài sân…
Trẻ hay nghịch ngợm, khi chơi đùa cũng có thể gặp nguy hiểm từ các thiết bị điện như dây dẫn điện, ổ cắm điện trong nhà hay từ nhà bếp như bếp gas, phích nước nóng.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà ở nông thôn, thậm chí một số khu vực ngoại thành thành phố thường có ao hồ quanh nhà cũng là tiềm ẩn nguy cơ.
Nhiều bậc cha mẹ còn nhận ra rằng trẻ nhỏ dưới 3-4 tuổi chưa hiểu hết được lời người lớn dặn dò nên phụ huynh cần phải trang bị các phương pháp phòng chống rủi ro cho trẻ trước khi có thành viên nhí trong nhà.
Việc tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ không chỉ cần sự trông nom hằng ngày của người thân, do đó pháp luật đã đưa ra tiêu chuẩn nhà an toàn cho trẻ em giúp các phụ huynh muốn xây mới hay cải tạo nhà cho con như anh Thiên được định hướng.
Tiêu chí cụ thể
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có tiêu chí về ngôi nhà an toàn trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Theo đó, nhà an toàn cho trẻ em phải có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Nền nhà và sân không trơn trượt và có bậc thềm cho trẻ lên, xuống.
Xung quanh ao, hố và những nơi chứa nước có thể tích lớn phải có hàng rào chắc chắn và có nắp đậy. Những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn.
Đối với phía trong ngôi nhà, cửa sổ, lan can và ban công phải có chấn song đủ khít để trẻ không chui qua được. Cha mẹ cũng nên lưu ý các cánh cửa trong nhà phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quẹt và có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹp tay khi đóng, mở.
Nền nhà, đặc biệt là nhà tắm nên được sử dụng gạch chống trơn. Ở nhiều gia đình còn cho bé dùng dép chống trượt hoặc kính lắp đặt trong nhà phải chịu được lực tác động, nhằm tránh tình trạng trẻ ngã vào và bị mảnh kính đâm.
Khu vực bếp phải được bố trí riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ không tiếp xúc được với bếp lửa, bình gas, dao kéo...
Khu vực cầu thang là nơi trẻ dễ bị té ngã nhất nên phải có tay vịn chắc chắn và bậc cầu thang có chiều cao hợp lý, bề mặt rộng đảm bảo an toàn cho trẻ em. Cha mẹ nên trang bị cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang để trẻ không tự lên xuống cầu thang khi không có người lớn.
Thiết bị điện là mối nguy hiểm bậc nhất cho trẻ nhỏ. Các bé có thể đút tay vào ổ cắm điện vì tò mò nên cha mẹ cần lưu ý các dây dẫn điện phải được lắp đặt ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu lắp bên ngoài.
Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ và phải có hộp, lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn.
Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì và ở vị trí ngoài tầm với của trẻ.
Đối với các loại đèn, cần có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện. Bên cạnh việc trang bị nhà cửa cho trẻ em an toàn, phụ huynh cũng cần để ý trang bị hộp đựng cho phích nước nóng. Để các loại bình, nồi chảo vừa nấu xong, dao kéo, diêm và bật lửa ở nơi ngoài tầm với của trẻ.
An toàn cho trẻ sống ở chung cư
Những phụ huynh như anh Thiên đang ở nhà chung cư nên mối bận tâm lớn nhất của họ là ban công. Những năm gần đây, việc chọn lựa sống ở chung cư rất phổ biến, vì vậy cha mẹ cần chú ý đến yếu tố ban công.
Ví dụ, nhà anh Thiên có lan can cao 1,4m nhưng anh phải bọc thêm lớp kính cường lực bên trong vì lo ngại trước thông tin trên các phương tiện truyền thông về một số vụ tai nạn trẻ em ngã từ ban công.
Do đó, quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 5/2008 “Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khoẻ” do Bộ Xây dựng ban hành có quy định các công trình có trẻ em dưới năm tuổi sử dụng thì các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn.
Nếu căn hộ ở tầng chín trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 10cm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can…
Trên thực tế, một số bậc cha mẹ có kinh nghiệm cải tạo nhà cũng chia sẻ các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ. Cụ thể, với cửa bếp, cha mẹ có thể dùng loại cửa tương tự cửa chặn cầu thang.
Thị trường có nhiều loại cửa chặn cầu thang dành cho trẻ làm từ gỗ, kim loại, nhựa hoặc lưới. Các loại cửa chặn cầu thang thường tháo lắp đơn giản, vừa có thể kéo dài đến hơn 1m để phù hợp với kích cỡ cầu thang hay cửa phòng bếp, có giá bán từ 400.000 đồng trở lên. Các ổ điện thì có đầu bịt ổ điện giá từ 90.000 đồng.
Tại đây cũng bán các loại đầu bịt cho cạnh bàn và tấm che quạt máy để tránh trẻ em đưa tay vào cánh quạt đang quay.
Phòng ngủ cho trẻ có lẽ là nơi cha mẹ phải đầu tư nhiều nhất để có thể tập cho bé bắt đầu ngủ riêng.
Các chuyên gia về thiết kế nhà cửa khuyên rằng khi chuẩn bị phòng cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý hình dạng của vật dụng và đồ đạc trong phòng. Nên tránh các góc nhọn để trẻ chơi trong phòng không gặp nguy hiểm.
Nếu phụ huynh muốn mua giường, cũi cho trẻ nhỏ thì nên chọn loại bằng nhựa. Cũi nhựa có giá khoảng từ 1,3 triệu đồng cho loại cũi có thể tháo lắp được.
Đối với trẻ ngủ trên giường, cha mẹ có thể mua thanh chắn lưới quanh giường để tránh bé rơi ra ngoài giường lúc bò chơi. Thanh chắn giường có giá từ 330.000 đồng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể trang trí phòng bé bằng các màu sắc tươi sáng trên tường hay vật dụng. Trang trí tranh vẽ cũng là một cách kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ nhưng cần treo cho chắc.
Cha mẹ có thể tham khảo một số trang web có bán các thiết bị an toàn cho trẻ em: baby68.vn; tuticare.com, bibomart.com.vn... Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý khi chọn mua đồ chơi, quần áo, giày dép cho trẻ. Không nên mua loại có những vòng nhựa nhỏ, nhiều dây, có thiết kế đầu nhọn hoặc những kiểu dáng dễ làm trẻ bị trầy xước, kẹt tay hoặc nuốt phải.
Mỹ Huyền