(SGTT) - Hầu như tất cả mọi người, dù có phải là người Sài Gòn hay không thì đều biết đến ngôi chợ nổi tiếng nhất của Sài Gòn từ hàng trăm năm qua đó là chợ Bến Thành. Từ lâu, ngôi chợ này đã trở thành một cột mốc ký ức mà người Sài Gòn đi xa ai cũng nhớ về, một biểu tượng kiến trúc và một đại diện cho văn hóa truyền thống địa phương.
- Các ngôi chợ lâu đời ở TPHCM: Chợ Bình Tây và câu chuyện gần trăm năm gắn bó
- Lễ hội văn hoá Việt – Nhật 2023 mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách tại Đà Nẵng
"Những người trẻ tuổi họ đi tứ xứ vẫn trở về đây, họ mong ước được vô chợ Bến Thành, được mua những món hàng đơn giản, từ cái giỏ xách đến ly trà sữa, họ vẫn muốn vào đây. Cảm giác có cái gì đó gắn bó thôi, mua một nải chuối thôi cũng thấy vui, không biết là lý do tại sao nữa" - đó là những lời tâm sự mộc mạc của cô Trương Thị Tuyết Trinh, tiểu thương chợ Bến Thành.
Có câu nói vui mà người dân hay nói với nhau "Đến Sài Gòn mà không đi chợ Bến Thành là coi như chưa đến Sài Gòn". Trải qua gần 100 năm, tính từ thời điểm khánh thành chợ vào năm 1914 với bao thăng trầm, cho đến nay, chợ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành biểu tượng của TPHCM.
Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận cho rằng chúng ta nhận diện một nơi chốn thân quen bằng những hình ảnh thân quen. Chúng ta nhận dạng một phần lịch sử của Sài Gòn xưa qua chợ Bến Thành - ngôi chợ lớn nhất Nam Kỳ, nơi lui tới buôn bán của muôn vạn người qua các thế hệ. Người sinh ra và lớn lên ở thành phố này, đang sống ở đây hay đã định cư xa xứ sẽ tìm thấy một phần đời của mình ở đó mà nếu mất đi ngoài sự nuối tiếc còn là sự xóa sạch một địa chỉ văn hoá - xã hội sống động.
Nhã Vũ Huy