(SGTT) - Các nhà sản xuất ô tô châu Âu và châu Á vốn đang chật vật với mức thuế quan cao từ tổng thống Mỹ Donald Trump, nay tiếp tục đối mặt với gánh nặng chi phí vận chuyển tăng mạnh khi Mỹ triển khai chính sách phí cảng mới.
- Tiêu thụ ô tô nhập nguyên chiếc tiếp tục vượt xe lắp ráp trong nước
- Hàng loạt các hãng xe ô tô giảm giá
Từ tháng 10 tới, các hãng vận tải biển chuyên chở ô tô đến Mỹ sẽ phải nộp khoản phí 150 đô la Mỹ cho mỗi xe. Theo ước tính của Clarksons Research, điều này có thể khiến toàn ngành vận tải ô tô phải chi thêm khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Chính sách trên được Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ban hành giữa tháng 4, áp dụng đối với tất cả các tàu không phải do Mỹ chế tạo khi cập cảng nước này. Động thái này đã khiến ngành vận tải biển tại châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc rơi vào trạng thái lo ngại.
Ông Lasse Kristoffersen, Giám đốc điều hành hãng vận tải Wallenius Wilhelmsen, cho biết chi phí tăng thêm và người gánh chịu sẽ là các hãng ô tô và người tiêu dùng. Theo ông Kristoffersen, mức độ bất định hiện tại khiến một số nhà sản xuất phải tạm dừng, trì hoãn các quyết định kinh doanh, xuất khẩu cũng như chuỗi cung ứng linh kiện.
Thị trường vận tải ô tô đường biển toàn cầu năm 2023 đạt giá trị khoảng 600 tỉ đô la Mỹ, với 836 tàu chuyên dụng. Mỗi chuyến hàng lớn đến Mỹ có thể phải chịu chi phí lên đến 1,2 triệu đô la Mỹ theo biểu phí mới, với sức chứa khoảng 8.000 xe, theo Hội đồng Vận tải Biển Thế giới (World Shipping Council).

Bên cạnh phí cảng, nhiều nhà sản xuất ô tô còn đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% đối với xe sản xuất ngoài nước Mỹ. Một số hãng như Audi, Jaguar Land Rover và Aston Martin đã tạm dừng xuất khẩu xe sang Mỹ do chi phí đội lên quá cao.
Ông Andreas Enger, CEO của hãng vận tải Höegh Autoliners (Scandinavia), nhận định mức độ tác động từ thuế và phí hiện chưa rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.
Theo dữ liệu của Clarksons, năm 2024, ngành vận tải ô tô vận chuyển 29 triệu xe, trong đó 4,6 triệu xe vào thị trường Mỹ.
Chính quyền tổng thống Biden trước đó đã mở cuộc điều tra về các hoạt động cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu và logistics biển. Đầu năm nay, các nghị sĩ hai đảng của Mỹ đã tái đề xuất “Đạo luật tàu cho nước Mỹ” nhằm khôi phục ngành đóng tàu trong nước.
Theo USTR, từ chỗ gần như không có thị phần trong những năm 1990, đến năm 2023 Trung Quốc đã chiếm hơn 50% thị trường đóng tàu toàn cầu. Tính đến đầu năm 2025, các công ty Trung Quốc sở hữu hơn 19% đội tàu thương mại thế giới.
Dù ban đầu Mỹ định áp mức phí lên tới 1,5 triệu đô la Mỹ cho mỗi tàu đóng tại Trung Quốc nhưng kế hoạch này đã bị điều chỉnh sau khi các nhà xuất khẩu Mỹ cảnh báo về rủi ro tăng giá vận chuyển và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các hãng vận tải ô tô vẫn bị bất ngờ về mức phí cuối cùng áp dụng cho mọi tàu không đóng tại Mỹ, không chỉ tàu Trung Quốc về cũng không có ngoại lệ nào về tần suất cập cảng.
Theo quy định, các hãng có thể hoãn thực hiện phí trong vòng 3 năm nếu đặt mua và nhận bàn giao tàu mới được đóng tại Mỹ trong thời gian này. Nhưng theo CEO World Shipping Council, ông Joe Kramek, điều này hoàn toàn không thực tế. Ông cho biết không có xưởng đóng tàu nào ở Mỹ hiện đủ khả năng sản xuất loại tàu này và phần lớn công suất hiện tại đều ưu tiên cho các hợp đồng quốc phòng vì lợi nhuận cao hơn.
Chỉ một tàu trong số hàng trăm tàu vận tải ô tô hiện hành được đóng tại Mỹ. Trung Quốc chiếm khoảng 20% năng lực đóng tàu vận tải ô tô toàn cầu, trong khi Nhật Bản chiếm đến 47%. Mỹ chỉ chiếm vỏn vẹn 0,1%.
Clarksons cũng ghi nhận rằng 86% số tàu vận tải ô tô đang được đặt đóng hiện nay đều đến từ Trung Quốc, thực tế khiến các nhà sản xuất xe thêm lo ngại.
Ông Kramek khẳng định USTR đã áp dụng chính sách mới mà không có thông báo trước, không chỉ với tàu Trung Quốc mà là mọi tàu đóng ở nước ngoài. Các hãng vận tải đang e ngại về tính pháp lý của quyết định này và hy vọng sẽ có điều chỉnh trước khi chính sách chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo Financial Times