Có 11/19 địa phương trả lời bằng văn bản cho Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch mở lại đường bay nội địa từ 5-10. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có chuyến bay nào có thể cất cánh và các hãng hàng không vẫn tốn vài trăm tỉ đồng mỗi ngày cho các chi phí đầu tư, vận hành cố định.
- Các địa phương “mỗi nơi một kiểu” với quyết định mở lại sân bay
- Từ 1-7: hành khách đến sân bay Vinh phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19
Văn phòng Chính phủ hôm 4-10 đã có văn bản gửi các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Y tế và Ngân hàng Nhà nước đề nghị có phúc đáp và hướng tháo gỡ cho Hiệp hội Hàng không Việt Nam, nơi tập hợp các hãng hàng không trong nước đang chìm trong khó khăn vì lệnh cấm bay trong nước kéo dài.
Hôm 6-10, Cục Hàng không Việt Nam cho biết có 11/19 địa phương có sân bay mà Cục đã gửi lấy ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa từ đầu tháng 10 đã cho phép mở cửa lại các chuyến bay đi/đến sân bay địa phương. Có địa phương cho mở như kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam, có địa phương đề nghị mở một phần.
Tuy nhiên, trong số này có 3 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai chưa đồng ý cho mở lại nên trên thực tế, cũng không kịp mở lại các chuyến bay trong nước như kế hoạch. Do sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) là sân bay căn cứ lớn nhất nước và Hà Nội chưa cho mở thì rất khó mở lại mạng bay đến các nơi.
Việc các địa phương chưa ủng hộ hoàn toàn mở lại đường bay nội địa đã khiến cho các hãng hàng không trong nước vốn đã ngập trong khó khăn, thua lỗ, nay lại khó khăn chồng chất hơn.
Theo thông tin của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không trong văn bản gửi Thủ tướng, mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỉ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả tiền vay ngân hàng và trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu, bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên.
Với đặc thù chi phí đầu tư, vận hành rất lớn nên trung bình mỗi ngày năm 2019, Vietnam Airlines chi hết 268 tỉ đồng, Vietjet Air chi hết 128 tỉ đồng… Nguồn thu giảm mạnh do giãn cách xã hội và các đợt bùng phát dịch khiến các đường bay phải đóng cửa nhưng các hãng vẫn phải trả tiền thuê/mua máy bay, bảo dưỡng, vay nợ ngân hàng… Việc chậm cho bay lại ngày nào khiến các hãng thêm kiệt quệ ngày đó .
Không chỉ Hiệp hội doanh nghiệp hàng không mà các ngành kinh tế đều đòi hỏi việc sớm mở cửa đường bay trở lại với những tiêu chí rõ ràng như Cục Hàng không Việt Nam đã nêu rõ trong văn bản lấy ý kiến các địa phương hôm 1-10 để kết nối dần trở lại các chuỗi đứt gãy về kinh tế, giao thương.
Các hãng bay mong muốn Chính phủ sớm có quyết định chung, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc mở lại các chuyến bay với điều kiện đảm bảo an toàn đến các địa phương trong cả nước sau hơn 2 tháng ngưng trệ, thay vì để mỗi địa phương “cát cứ” một kiểu như hiện nay.
Từ đầu tháng 5 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong và ngoài nước đã đóng băng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60%, ước tính năm nay tiếp tục giảm so với 2020 và năm 2020 đã lỗ 16.000 tỉ đồng nay còn tiếp tục lỗ sâu hơn. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways hiện đã lên đến hơn 50.000 tỉ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng thiếu hụt nghiêm trọng
Lan Nhi
Theo Kinh tế Sài Gòn Online