(SGTT) - Trong khi các quán ăn, nhà hàng đang lao đao mùa dịch, thì những gian hàng rau, thịt hay các mặt hàng khô như mì gói, trứng… lại nhờ mùa dịch mà ăn nên làm ra, có người phải tăng gấp đôi lượng hàng nhập về mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách.
- TPHCM: Bất chấp giãn cách xã hội, người dân vẫn chen nhau đi chợ
- Hàng chục doanh nghiệp hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Gò Vấp, quận 12
- TPHCM giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày từ 0:00 ngày mai 31-5
Nguyên nhân bắt nguồn khi các quán ăn, nhà hàng chỉ được phép bán mang đi, hạn chế tụ tập theo quy định của UBND TPHCM, nên nhiều người dân, đặc biệt là nhân viên văn phòng chọn cách tự mang cơm theo. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa, chính là vì tâm lý lo lắng khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, nguồn lương thực cung cấp không đủ nên mua sẵn lương thực về dự trữ của nhiều người dân.
Chị Thanh Phương, một nhân viên văn phòng cho hay "Từ khi các quán ăn không còn được buôn bán tại chỗ, tôi cũng không còn ra ngoài mua đồ ăn nữa, mà thay vào đó sẽ tự nấu ăn mang theo. Tôi cảm thấy tự nấu mang theo cũng tốt, vừa hợp khẩu vị của mình, vừa an toàn, tránh tụ tập. Cơ quan tôi có nhiều anh chị bắt đầu nấu ăn mang theo giống tôi, ngoài việc phải dậy sớm một xíu để nấu ăn thì chúng tôi cảm thấy việc nấu ăn mang theo không có gì bất tiện".
Khác hẳn với sự vắng lặng của các nhà hàng, quán ăn, quầy bán rau của chị Phương (chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) đang ngày một đông hơn. “Dịch này chỉ sợ là tập trung đông thôi chứ bán thì khỏe lắm, bình thường chỉ lấy có cỡ khoảng 700-800kg rau, củ thôi, mà từ khi có chỉ thị, người ta đi chợ nhiều hơn. Bây giờ mỗi ngày phải lấy tới gần 1,5 tấn mới đủ”, chị Phương chia sẻ.
Hàng thịt của gia đình anh Tùng (chợ Phạm Thế Hiển, quận 8) cũng “khá khẩm” trong mùa dịch lần này. Anh cho biết, chỉ có đợt dịch đầu và đợt dịch thứ 4 này, anh mới bán được nhiều thịt. Tuy nhiên khâu vận chuyển có hơi hạn chế vì dịch bệnh.
“Ngày đầu khi mới ra chỉ thị, tôi bán hết sạch, ngày hôm đó gia đình tôi còn phải ra ngoài mua thịt về ăn. Mấy nay thì cũng khá, bình thường bán được 70-80kg thì bây giờ được 110kg, có khi 150kg. Đa số khách hàng đều chọn phần thịt, xương thì chỉ lai rai thôi”, anh Tùng chia sẻ.
Không những nhập thêm số lượng hàng để bán, mà sạp bán rau của chị Hà (chợ nhỏ trong hẻm đường Trần Xuân Soạn, quận 7) còn bán thêm buổi chiều. “Cả tuần nay, có rất nhiều khách hàng lạ mặt đến mua rau, tôi đoán là do họ bắt đầu mang cơm theo, hoặc nghỉ dịch ở nhà nên có thời gian nấu cơm cho gia đình. Lúc trước tôi chỉ bán buổi sáng thôi, dạo gần đây, nhiều khách dặn tôi bán thêm buổi chiều nữa, cũng được mấy ngày rồi, tôi thấy bán buổi chiều cũng ổn, mỗi tội hay mưa gió”.
Mặc dù đã là đợt dịch lần thứ 4, nhưng rất nhiều người dân vẫn mang tâm lý lo thiếu lương thực, nên họ đổ xô nhau đi mua thức ăn dự trữ, đặc biệt là các đồ khô, bảo quản được lâu như mì, trứng, cá khô…
Chủ của một tiệm tạp hóa trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) cho biết “Chạy nhất là mì gói, mỗi người cứ mua mấy thùng một lần, tôi còn hỏi vui là họ mua về bán hả? Nhiều người còn dặn đặt trước cả mấy đơn hàng mì, sữa, đồ ăn đóng hộp. Sắp tới đây tôi chuẩn bị nhập thêm cả mấy chục thùng mì gói do khách đặt trước”.
Phùng My