(SGTT) – Trong nhiều phiên bản lẩu gà, món lẩu gà nấu tiêu xanh thu hút thực khách bởi sự đậm đà ở nước dùng, điểm thêm vị the cay từ tiêu xanh.
- Trưa nay ăn gì: Salad thập cẩm, đủ đầy dư vị từ thịt đến rau củ
- Trưa nay ăn gì: Cơm văn phòng với ba rọi kho thơm
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quen thuộc với gà kho củ cải
Thực tế, tiêu xanh là gia vị được ưa chuộng trong các món lẩu, phải kể đến như lẩu bao tử hầm tiêu xanh, lẩu đuôi heo hầm tiêu xanh, lẩu bò tiêu xanh hay món lẩu gà nấu tiêu xanh giới thiệu trưa nay.
Về thịt gà, thông thường món lẩu này sẽ ứng dụng gà nguyên con, sơ chế sạch lông và lấy nội tạng bỏ ra ngoài. Tiếp đến, cho gà nguyên con vào nồi nước luộc cùng ít muối. Đây là bước chế biến đầu tiên để tạo nước dùng cho lẩu gà tiêu xanh.
Đến tiêu xanh, mọi người chọn mua tiêu loại ngon, mua thêm cả tiêu đen để chế biến món ăn này. Để nồi lẩu thêm dậy vị, tiêu xanh và tiêu đen được rang khoảng vài phút cho dậy vị thơm, rồi mới đem đập nhuyễn, một nửa thả vào nồi lẩu.
Cũng như mọi món lẩu khác, phần nước dùng là yếu tố quan trọng quyết định đến độ ngon món ăn. Theo đó, người nấu bắc chảo lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn rồi cho phần hành tím băm, sả đập dập, tiêu đen và tiêu xanh vào xào cho dậy mùi thơm. Tiếp đến, phần nước dùng hầm hồi nãy lọc bỏ xương gà và củ cải rồi bắc lên bếp cho phần nguyên liệu vừa phi thơm vào.
Cuối cùng, nêm nếm một số gia vị như hạt nêm, đường, muối, bột chanh và khuấy đều là có nồi nước dùng đậm đà hương vị. Lúc này, mọi người chỉ cần chia nhỏ gà thành phần vừa ăn. Với món lẩu gà nấu tiêu xanh, một số lựa chọn rau, củ như mồng tơi, rau kinh giới, rau muống, cà rốt, khoai tây... Việc cuối cùng là chọn bún, mì gói, phở hay hủ tiếu ăn kèm.
Thành phẩm nồi lẩu gà nấu tiêu xanh thơm ngon là khi nước dùng đậm đà, thơm mùi thịt gà và vị giác cay từ tiêu xanh. Với món lẩu này, thực khách chỉ cần gọi thêm trà đá giải khát là đã có bữa trưa cuối tuần thơm ngon.
Theo amthucvungmien, cachnaulauga, giaviviet