(SGTT) - “Thời gian tới du khách tìm về vùng đất Cửu Long sẽ đông hơn trước” là chia sẻ từ đại diện một doanh nghiệp lữ hành trong khi tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng hoa tại Sa Đéc, Đồng Tháp nhân Hội nghị Tổng kết năm 2023 của Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào ngày 23-2.
- Sông nước đất ‘chín rồng’ sẽ là nguồn lợi lớn cho du lịch?
- Du lịch nông nghiệp nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long
Những sản phẩm mới
Lý giải về vấn đề vừa nêu, vị đại diện này cho rằng xuất phát lớn nhất là nhờ hệ thống đường giao thông đã thuận lợi hơn. Có thể thấy, từ khi đưa vào khai thác hai dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đây không chỉ đơn thuần là việc cải thiện mạng lưới giao thông mà còn mở đường cho sự phát triển du lịch của khu vực. Giờ đây, từ TPHCM tới Cần Thơ chỉ còn khoảng 2 giờ. Một số chuyên gia còn cho rằng, cao tốc xuất hiện giúp "vẽ” lại bản đồ du lịch, tạo ra nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm mới và nhiều loại hình mới.
Tại TP Sa Đéc, tận dụng từ vườn cây kiểng, nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc đã tạo nên Khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc mà theo ông “lối đi chính của khu du lịch nổi bật với hàng cây kỷ lục”.
Điểm đến này rộng hơn 3,5 ha với hàng ngàn tác phẩm bonsai, kiểng cổ có giá trị. Trong đó, phải kể đến cặp me kiểng 150 năm tuổi, đạt kỷ lục cổ nhất Việt Nam, cây sanh xác lập kỷ lục là “Cây sanh bonsai có đường kính tán lớn nhất Việt Nam”, kỷ lục Việt Nam thứ 3 là cặp kiểng vạn niên tùng cổ, hơn 150 tuổi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là “Cặp vạn niên tùng kiểng xuất xứ Nam Bộ được tạo tác theo phương pháp Tứ diện nhật nguyệt đạt giá trị kỷ lục độc bản Việt Nam”.
Ông Lộc chia sẻ: “Tôi muốn du khách đến đây trải nghiệm du lịch sống chậm. Khu du lịch còn mở thêm mấy căn nhà để khách ở như nhà của mình, có thể đi chợ nấu ăn, ra vườn chăm kiểng, ngắm hoa, cá… xóa bỏ những bộn bề lo toan hằng ngày”.
Sản phẩm mới dựa trên tài nguyên cũ đã khiến du lịch miền Tây bớt trùng lắp và nhàm chán, nhờ vậy mà thu hút khách. Như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, sau thời gian dài ngưng hoạt động, giữa tháng 12-2023, Công ty TNHH MTV Khu du lịch Văn hóa Phương Nam (thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn) đã tổ chức khai thác lại. Bên cạnh tham quan, chụp ảnh, nghe thuyết minh nhà cổ còn có các dịch vụ mới là xem phim “Người tình”, phục vụ bánh dân gian Nam bộ tự chọn, gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP, dịch vụ cho thuê trang phục chụp ảnh, hay trải nghiệm ở lại “nhà của đại gia lúa gạo” với giá 500.000 cho một đêm.
Đi từ đặc trưng vùng
Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), du lịch của vùng đang phục hồi tốt. Năm 2023 doanh thu du lịch ĐBSCL thu về hơn 45.700 tỉ đồng với việc đón gần 46 triệu lượt khách tăng 20,4% so với 2022 và chỉ giảm 2,64% so với 2019.
Sự thành công của việc thúc đẩy du lịch từ các sự kiện văn hóa, thể thao cũng là yếu tố giúp du khách tìm về đất Cửu Long. Theo ông Trần Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Đồng Tháp: “Việc tổ chức các sự kiện, chương trình như lễ hội xoài Đồng Tháp, sự kiện Marathon Đất Sen hồng, Festival hoa kiểng Sa Đéc đã giúp cộng đồng khai thác du lịch địa phương được hưởng lợi rất nhiều. Trong những ngày diễn ra lễ hội, công suất các khách sạn ở Đồng Tháp hầu như đạt tối đa, các nhà hàng, quán ăn cũng chật kín khách”.
Thực tế trong những năm gần đây, một số địa phương đã chú trọng nét riêng và tập trung phát triển. Chẳng hạn, TP Cần Thơ với lễ hội bánh và trái cây Nam bộ, Đồng Tháp khai thác văn hóa ẩm thực với 200 món ăn từ sen; Hậu Giang với 200 món ăn từ cá thát lát, khóm, cùng Festival Áo bà ba mang đậm dấu ấn riêng, Bạc Liêu với Lễ hội đờn ca tài tử, Vĩnh Long với homestay tiêu chuẩn ASEAN và di sản quần thể gốm Mang Thít…
Tại Kiên Giang, một trong những địa phương ở ĐBSCL khai thác tốt thế mạnh và tiềm năng du lịch trong thời gian qua cũng cho biết: “Năm qua có nhiều sự kiện thu hút khách đến với Phú Quốc, đặc biệt thu hút nhờ có lợi thế về biển đảo. Năm 2023 tổng lượt khách 8,5 triệu, trên 573.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 17.400 tỉ đồng”, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang cho hay.
Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên đa dạng với ruộng, vườn, rừng cây, sông nước… kết hợp với những giá trị văn hóa, lịch sử đã được các địa phương phát huy với các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, sông nước du lịch văn hóa, tâm linh...
Nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng sức lan tỏa các điểm đến, Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu của toàn vùng, góp phần tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho hay, việc công nhận các điểm du lịch tiêu biểu là để mỗi địa phương tập trung và có sự đầu tư tốt để phục vụ du khách. “Bạc Liêu hiện có 11 điểm được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, nhiều nhất của vùng. Địa phương đang tích cực đầu tư để nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả các điểm này".
Các số liệu cung cấp tại hội nghị từ đại diện tỉnh Bạc Liêu cho thấy du lịch tỉnh này đang phát triển tốt. Mới đây nhất, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết), tổng số khách đến Bạc Liêu là 245.000 lượt, tăng 11,7% so với năm 2023, số khách lưu trú là 21.500 lượt. Tổng thu ngành dịch vụ du lịch là 125 tỉ đồng và cũng tăng so với năm trước.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, để phát triển du lịch ĐBSCL bền vững cần quan tâm đến tính liên kết. Điều này thể hiện những mặt sau, đó là tính liên kết giữa các địa phương với địa phương, địa phương với quốc tế, tính liên kết giữa những nhà tổ chức, kinh doanh du lịch.
Hiện nay, việc đầu tư phát triển du lịch ở một số địa phương còn tình trạng "mạnh ai nấy làm," chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, từ đó tốc độ phát triển du lịch ở ĐBSCL còn khiêm tốn so với các vùng du lịch khác trong cả nước.
Phát triển du lịch làm sao vừa đem văn hóa, tập quán, con người, thổ nhưỡng, địa lý của địa phương mình phục vụ cho du khách từ xa tới để khách hòa nhâp, làm cho khách đi du lịch phải được an toàn, tận hưởng với hành trình, có vậy khách mới về!