(SGTT) - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
- Tiêm phòng Covid-19 nhưng đừng chủ quan với cúm mùa
- Cảnh báo thuốc molnupiravir ảnh hưởng đến tinh trùng, xương sụn
- Không thiếu thuốc điều trị Covid-19, việc mua bán thuốc molnupiravir là bất hợp pháp
Theo Vnexpress, vào chiều 17-2, đại diện Cục Quản lý Dược đã xác nhận thông tin trên và cho biết đã ban hành danh mục thuốc đi kèm.
Theo đó, ba loại thuốc được cấp phép gồm molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekorpha và molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
Molnupiravir là hoạt chất có tác dụng kháng virus, được xem là "vũ khí" quan trọng trong điều trị F0 tại nhà. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Thuốc dạng viên, dùng theo đường uống, thuận tiện cho F0 tại nhà.
Như vậy, đây là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị Covid-19 được cấp phép tại Việt Nam. Quyết định cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir của Cục Quản lý Dược căn cứ đề xuất ngày 5-1 của Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
Ba điều kiện đi kèm với đề xuất cấp phép khẩn cấp là doanh nghiệp phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo yêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2021/09/1-24.jpg)
Số giáo viên, học sinh bị nhiễm Covid-19 tăng mạnh sau Tết Nguyên đán
Theo Vietnamplus, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay điểm thuận lợi của việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại là chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời; được lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó khó khăn đầu tiên phải kể đến là diễn biến dịch bệnh phức tạp ở nhiều địa phương. Kết quả theo dõi thực tiễn và kiểm tra thực tế của Bộ tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Cụ thể, Hải Phòng có 9.649 ca, Thanh Hóa 2.359 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca...
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến, một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Ngày 17-2: Việt Nam có 90 ca tử vong do Covid-19
Theo bản tin dịch Covid-19 ngày 17-2 của Bộ Y tế, về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17:30 ngày 16-2 đến 17:30 ngày 17-2, cả nước đã ghi nhận 90 ca tử vong. Cụ thể, tại TPHCM có 4 ca, trong đó có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến là Bình Thuận (1), Bình Định (1).
Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác gồm có Hà Nội (19), Đà Nẵng (8 ), Nam Định (7 ca trong 02 ngày), Kiên Giang (6), Bình Thuận (5), Bình Phước (3 ca trong 02 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Quảng Nam (2), Quảng Ngãi (2 ca trong 02 ngày), Sóc Trăng (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Phú Yên (1), Quảng Trị (1), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1) và Tiền Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca.
Minh Thảo tổng hợp