Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

Tư Miền Biển

Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa lòng thành phố này. Đường Bến Cá nằm ven sông Kim Bồng xưa, gần chợ Phường Củi (nay là chợ Phương Sài); còn đường Hàng Cá và Bến Chợ nằm bên hông chợ Đầm, xưa là bờ đầm Xương Huân, đã bị lấp để xây chợ vào năm 1969.

Hơn nửa thế kỷ trước, thuyền bè đi biển về vào cập bến khá sâu trong khu vực nay là nội thành. Sông Kim Bồng bị lấp dần qua thời gian, mất đi một thủy lộ có ý nghĩa di tích lịch sử vì đó là con sông dẫn vào nơi từng là xưởng đóng thuyền của Chúa Nguyễn (nay vẫn còn con đường mang tên “Thủy Xưởng” và ngọn đồi “Trại Thủy”), cũng là nơi đã từng xảy ra những trận thư hùng giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh những năm cuối thế kỷ XVIII (*).

Chợ cá xưa

Bến cá lớn nhất ở Nha Trang trong nhiều năm trước đây là chợ cá Xóm Bóng (cảng Cù Lao) nằm ở tả ngạn sông Cái gần cửa sông ra biển; đây là nơi tập trung lượng hải sản lớn của nhiều loại nghề đánh bắt từ ngư trường rộng lớn và là nơi “chia” hải sản lên các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra còn có chợ cá Cửa Bé ở phường Vĩnh Trường, nơi tập trung những nhà thùng sản xuất nước mắm nằm ở phía Nam Nha Trang.

Bến cá Hòn Rớ hiện là chợ thủy sản lớn nhất khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: P.Đ.Q
Bến cá Hòn Rớ hiện là chợ thủy sản lớn nhất khu vực Nam Trung bộ.
Ảnh: P.Đ.Q

Người dân Nha Trang (Khánh Hòa) trước đây thường dùng chữ “cá” để chỉ các thức ăn (gồm cả thịt, rau...) trong bữa cơm hàng ngày; những cư dân đầu tiên trên mảnh đất thành phố du lịch ngày nay chính là những ngư dân từ các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú tìm vào đánh bắt ngư trường mới từ khi người Khánh Hòa ‘chính gốc’ vẫn sống tập trung vùng Diên Khánh, Vĩnh Xương...

Đặc trưng của hải sản là ăn tươi và chỉ cần chế biến đơn giản với hai món nướng, hấp là tuyệt nhất. Cá nào vị nấy; tôm, mực, cua, ghẹ... không lẫn với nhau. Nếu có dịp, du khách sẽ nhận ra hương vị con tôm sú nuôi với tôm đánh bắt từ biển khác nhau rất xa. Đó chính là cái “sướng” của người vùng biển, được thưởng thức hải vị đúng chất của nó. “Tươi” là yếu tố quyết định chất lượng cao nhất, ngon nhất của mọi loài hải sản, khi món ăn phải dùng đến gia vị nghĩa là nguyên liệu đã không còn “tươi” nữa. Thậm chí, lạm dụng gia vị khi chế biến hải sản tươi sống sẽ làm giảm vị ngon của đồ biển. Ở những nơi xa biển, người ta phải dùng thêm gia vị, chế biến nhiều cách để tăng hương vị cho món ăn vì nguyên liệu hải sản không còn tươi.

Cảng cá Cửa Bé phường Vĩnh Trường, nơi tập trung những nhà thùng sản xuất nước mắm. Ảnh: P.Đ.Q
Cảng cá Cửa Bé phường Vĩnh Trường, nơi tập trung những nhà thùng sản xuất nước mắm.
Ảnh: P.Đ.Q

Ngày trước, những chợ cá lớn dành cho các chủ vựa hoặc dân buôn chuyển hàng đi các chợ nhỏ hơn. Còn người Nha Trang có cái thú tìm đến các bãi biển, xóm chài nhỏ mua trực tiếp hải sản của các thuyền đánh bắt ven bờ vừa vào bờ.

Khi kinh tế, xã hội phát triển thì nếp sống của cư dân cùng bộ mặt đô thị và nông thôn cũng thay đổi; hạ tầng dịch vụ và sản xuất phải đi trước tạo nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Dịch vụ hậu cần nghề cá được chú ý, đầu tư mạnh từ hơn ba mươi năm qua, nhất là khi ngư trường ven bờ cạn kiệt, ngư dân phải ra khơi với những chuyến đi biển dài đến vài ba tháng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mang lại lợi ích thì đồng thời cư dân đô thị cũng phải trả giá về chất lượng môi sinh. Những cảng cá được xây dựng ngốn khá nhiều kinh phí vẫn bộc lộ những yếu kém trong việc bảo vệ môi trường và cả sự thiếu đồng bộ về kỹ thuật hạ tầng.

Chợ cá dưới chân cầu Trần Phú, ngay cửa sông Nha Trang, nay không còn nữa. Ảnh: P.Đ.Q
Chợ cá dưới chân cầu Trần Phú, ngay cửa sông Nha Trang, nay không còn nữa.
Ảnh: P.Đ.Q

Chợ cá ngày nay

Năm 1999, cảng cá Hòn Rớ được xây dựng cùng lúc với việc hình thành khu dân cư này (xã Phước Đồng), đón nhận hàng trăm hộ ngư dân từ Xóm Cồn và Cồn Giữa (phường Xương Huân) và ngư dân Xóm Bóng (phường Vĩnh Thọ) di dời, đồng thời dẹp bỏ cảng cá Xóm Bóng. Đây là điểm hậu cần cho những chuyến đánh bắt xa bờ của ngư dân Nha Trang và các tỉnh lân cận, mua nhiên liệu, nước đá, nước ngọt và các dịch vụ bảo trì, sửa chữa ghe thuyền, ngư cụ. Vào những ngày cao điểm có hơn 60 tàu cá cập bến bán cá, lấy nhiên liệu, thực phẩm. Vào những ngày mưa bão, tàu bè vào trú bão dày đặc.

Hòn Rớ hiện là chợ thủy sản lớn nhất khu vực Nam Trung bộ. Nhiều vựa thủy sản túc trực thường xuyên tại cảng để mua cá đánh bắt xa bờ xuất khẩu sang Mỹ, Canada và một số nước châu Âu. Thời gian qua, hạ tầng cảng Hòn Rớ trở nên quá tải, việc chế biến hải sản ngay tại chợ không bảo đảm vệ sinh cho thực phẩm lại gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Trong quá trình sơ chế các loại hải sản, một lượng lớn nước thải từ chợ chảy thẳng xuống sông. Thậm chí, người ta vô tư múc nước tại chân cầu cảng này để rã đông cá ngừ đại dương mới đánh bắt về. Đó chính là nguyên nhân khiến phía đối tác mua thủy sản của Việt Nam từng có lúc từ chối nhận hàng.

Bên ngoài cảng, dọc bờ sông trong khu dân cư Hòn Rớ, những vỉa hè đầy các loại hải sản được bày ra phơi, rất mất vệ sinh. Các loại cá hố, cá đuối, mực tẩm, xương và thịt cá nhám... phơi trên vỉa hè, trải trên vỉ hoặc rải ra nền bê tông vỉa hè. Phần lớn thành phẩm hải sản khô này sẽ ra chợ Đầm và các chợ khác ở Nha Trang để bán cho du khách hoặc “xuất” lên Tây Nguyên, vào TPHCM... Những “đặc sản” khô này thường không ghi tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng.

Ngoài Hòn Rớ, Nha Trang còn có hai chợ cá khá sầm uất là chợ Cửa Bé (Vĩnh Trường) và chợ Lương Sơn (Vĩnh Lương, cách Nha Trang hơn chục cây số về phía Bắc), có lượng ghe thuyền ra vào hàng trăm lượt vào những ngày biển đẹp, nguồn hải sản chủ yếu từ ngư trường gần bờ, ghe thuyền ra khơi buổi chiều và trở về vào sáng hôm sau. Chợ cá Cửa Bé nằm sâu bên trong cửa sông phía tả ngạn, có tuổi đời lâu hơn nhưng quy mô nhỏ hơn Hòn Rớ. Tuy vậy, hàng ngày chợ Cửa Bé cũng đông từ 3 giờ sáng, cho đến trưa thì chợ tan. Hải sản từ hai chợ này cũng được cung cấp cho các xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu, nhưng phần lớn được phân phối đi các tỉnh bạn và tiêu thụ tại địa phương.

Khách du lịch đến Nha Trang thường tập trung đến chợ Đầm mua hải sản khô và hàng lưu niệm, nhưng những người yêu thích chụp ảnh lại chịu khó dậy sớm đến hai cảng cá Cửa Bé và Lương Sơn đón xem cảnh thuyền về bến lúc bình minh, thời gian thích hợp có mặt tại chỗ từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, thuyền lần lượt vào cập bến, rỗi nước, rỗi bờ thi nhau mua cá, mực, tôm, cua tươi rói... cảnh tượng sinh hoạt nhộn nhịp, rộn ràng. Trễ hơn, khoảng 6 giờ đến 8 giờ sáng, người Nha Trang thường ghé vào những điểm cập bờ của những chiếc thuyền nhỏ tấp vào bãi tắm gần Hòn Chồng hoặc chợ cá buổi chiều ở xóm Ba Làng, Đồng Đế để mua những thứ đánh bắt ven bờ của các thuyền nhỏ. Có lẽ không có gì ngon hơn khi mua được vài ký ghẹ, mực hay tôm sú biển còn sống về đưa ngay lên bàn ăn gia đình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Người không bán giấc mơ

0
Nam Thụ Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ...

Kết nối