Hoàng Nhung
Sở Y tế TPHCM cho biết tình hình thiếu vắc xin dịch vụ sẽ kéo dài đến năm 2016, do các nhà sản xuất, phân phối không đủ hàng cung ứng cho thị trường. Tình trạng thiếu vắc xin không chỉ gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn tạo sức ép lên cơ quan quản lý. Vấn đề được các chuyên gia nhận định là tuy trong nước đến nay đã sản xuất được một số vắc-xin nhưng vẫn chưa có một chiến lược dài hạn để có thể hoàn toàn chủ động.
Có khả năng tự sản xuất
Nói về việc sản xuất vắc xin hiện nay của Việt Nam đã đi tới đâu, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), cho biết hiện đã có bốn cơ sở trong nước sản xuất được vắc xin, và các đơn vị này đã tự sản xuất được một số loại vắc xin cơ bản, trong đó có vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản, “3 trong 1 bạch hầu – uốn ván – ho gà”, bại liệt, sởi, lao, tả và thương hàn.
Hiện tại, Công ty Vabiotech đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin viêm màng não mủ (Hib), đồng thời chuẩn bị triển khai nghiên cứu sản xuất vắc xin “5 trong 1”. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự cung cấp vắc xin, và điều cần thiết hiện nay là một chiến lược có tầm nhìn dài hạn để phát triển hệ thống sản xuất vắc xin trong nước.
Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cũng đã nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy. Sản phẩm này đã được đưa ra thị trường với giá khoảng 250.000-300.000 đồng/liều, chỉ bằng 1/3 giá vắc xin nhập ngoại, với hiệu quả được chứng minh là không hề thua kém. Tính đến nay, Việt Nam đã tự sản xuất được 11 loại vắc xin phục vụ tiêm chủng mở rộng. Việc sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 đưa Việt Nam trở thành nước thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phòng chống virus Rota.
Không dừng lại ở đó, trước tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”, vốn đang gây phiền hà cho người dân và cả cơ quan quản lý nhà nước, đầu tháng 3 vừa qua một dự án sản xuất vắc xin “6 trong 1” có kinh phí hàng chục tỉ đồng được triển khai nhằm sản xuất những vắc xin mới. Dự án này do Bộ Khoa học – Công nghệ chủ trì.
Các vắc xin được sản xuất là vắc xin tổng hợp, trong đó có vắc xin thương hàn vi cộng hợp, vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero, đặc biệt là vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” có thành phần ho gà vô bào – loại vắc xin nhiều gia đình có con nhỏ có nhu cầu sử dụng, nằm trong nhóm vắc xin dịch vụ đang không đủ hàng.
Bốn nhà sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện nay sẽ được phân công một hoặc vài thành phần trong vắc xin phối hợp. Mục tiêu ban đầu là tăng cường năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước và tiến tới khả năng xuất khẩu vắc xin.
Cần chiến lược dài hạn
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Vân, Nguyên Giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), cho biết hiện chưa có một chiến lược sản xuất và sử dụng vắc xin lâu dài, vẫn buông lỏng cho thị trường tự điều tiết.
Theo bà Vân, Việt Nam đang cần một chiến lược có tính dài hạn, định hướng rõ cần phát triển những loại vắc xin gì, với số lượng, chủng loại, tiến độ đặt hàng và sử dụng ra sao. Hiện tại, chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đang đi theo định hướng của quốc tế, sử dụng các loại vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo theo từng đợt và tận dụng nguồn viện trợ vắc xin không hoàn lại từ tổ chức này.
Vấn đề là, sau một thời gian, nếu các tổ chức quốc tế cắt tài trợ, Việt Nam sẽ phải bỏ tiền ra mua vắc xin của nước ngoài nếu trong nước chưa sản xuất được, hoặc là phải tự sản xuất vắc xin. Nếu không có chiến lược dài hạn và chuẩn bị từ trước, nguy cơ thiếu vắc xin khi bùng phát bệnh dịch sẽ rất dễ xảy ra. Theo bà Vân, bài toán ở đây là làm sao để Việt Nam có thể chủ động điều tiết nguồn vắc xin để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào cả viện trợ lẫn thị trường nhập khẩu.
Cũng theo bà Vân, để cung cấp vắc xin lượng lớn đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống quản lý chất lượng vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước vẫn còn những hạn chế về nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất, các khâu quản lý hồ sơ thẩm định, quản lý vắc xin. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải khắc phục các mặt hạn chế này để đạt các tiêu chuẩn mà WHO đặt ra.
[box type="bio"] Trước mắt sử dụng vắc xin Quinvaxem (5 trong 1)
Phòng Quản lý dược của Sở Y tế TPHCM cho biết tình hình thiếu vắc xin dịch vụ sẽ kéo dài sang năm 2016. Nhận định này được đưa ra sau khi họp với các nhà sản xuất và cung ứng vắc xin trong và ngoài nước vào cuối tháng 3 vừa qua, gồm Công ty GlaxoSmithKline, Merck Sharp & Dohme, Sanofi, Zuellig Việt Nam, DKSH Việt Nam, Sang Pharma, Dược Mỹ phẩm May…
Theo đó, số lượng vắc xin còn lại để cung ứng trong năm 2015 là không đủ so với nhu cầu tiêm chủng của người dân. Cụ thể, vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) của Công ty GlaxoSmithKline cung ứng cho năm 2015 là 38.000 liều, trong đó có 4.000 liều cung cấp cho Viện Pasteur TPHCM để nghiên cứu lâm sàng. Tính đến ngày 11-3-2015 số lượng vắc xin còn lại để cung ứng cho thị trường thành phố đến hết năm nay là 16.059 liều.
Số lượng vắc xin Varivax (thủy đậu) của Công ty Merck Sharp & Dohme được cung ứng cho năm 2015 là 166.000 liều. Hiện công ty đang nộp hồ sơ tại Bộ Y tế, nếu được chấp thuận thì công ty sẽ nhập khẩu 170.000 liều cho thị trường Việt Nam trong năm 2016.
Số lượng vắc xin Varivax (thủy đậu) của Công ty Sang Pharma được cung ứng năm 2015 là 300.000 liều cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TPHCM.
Trước tình hình không đủ vắc xin dịch vụ cung ứng cho năm 2015 và năm 2016, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố sử dụng vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để phòng bệnh cho trẻ.[/box]