Thừa cân - béo phì không chỉ khiến cơ thể người nặng nề, mất đi dáng vẻ thời thanh xuân mà còn gây ra những căn bệnh khó chữa. Gần đây, béo phì còn được xác định là góp phần làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng và tử vong trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt xảy ra ở người dưới 65 tuổi. Béo phì cũng là một “đại dịch” theo một định nghĩa về y khoa và cho đến nay các chiến lược phòng ngừa và điều trị béo phì tại các nước phát triển thực sự chưa đạt hiệu quả.
- Báo động tình trạng trẻ béo phì tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm
- Béo phì làm tăng nguy cơ tử vong do Covid
- Người trẻ tuổi bị béo phì dễ gặp tình trạng tồi tệ khi nhiễm Covid-19
Hội chứng chuyển hóa là một “cơn lốc” bao gồm nhiều rối loạn xảy ra trên cùng một người như tăng huyết áp, tăng đường huyết, thừa cân béo bụng, tăng nồng độ cholesterol và triglyceride máu. Nếu một người chỉ có một trong các tình trạng này, thì không có nghĩa là bị hội chứng chuyển hóa, nhưng dễ mắc các bệnh nghiêm trọng và nếu càng có nhiều yếu tố kể trên thì tương lai gần sẽ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch.
Thừa cân - béo phì cũng là một “đại dịch”
Thừa cân - béo phì là chứng bệnh phức tạp liên quan đến dư thừa lượng mỡ cơ thể. Tình trạng béo phì không đơn thuần chỉ làm mất đi tính thẩm mỹ mà còn là một thách thức y khoa cần được quan tâm do béo phì làm tăng nguy cơ bệnh lý mạn tính và suy giảm sức khỏe nhanh chóng theo thời gian, gây ra hàng loạt bệnh, như bệnh gan nhiễm mỡ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ, viêm xương khớp, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, tiểu đường, tăng huyết áp và ung thư.
Theo thống kê của các tổ chức y tế ở các nước trên thế giới gần đây, béo phì còn được xác định là góp phần làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng và tử vong trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt xảy ra ở người dưới 65 tuổi. Lý giải về điều này dường như có một thành phần gene di truyền đối với sự tích tụ mỡ thừa và các đột biến gene gây viêm RIPK-1 liên quan với nhau, đồng thời béo phì cũng làm giảm dung tích phổi, làm ảnh hưởng chức năng miễn dịch.
Điều đáng buồn là tỷ lệ người thừa cân - béo phì đã gia tăng trên toàn thế giới trong 50 năm qua, cũng là một “đại dịch” theo một định nghĩa về y khoa. Thừa cân - béo phì làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ, điều này cũng liên quan đến tình trạng bị thất nghiệp, tạo gánh nặng xã hội, giảm năng suất kinh tế - xã hội, tăng gánh nặng kinh tế. Cho đến nay các chiến lược phòng ngừa và điều trị béo phì tại các nước phát triển vẫn chưa đạt được thành công dài hạn về cấp độ cá nhân và dân số. Các chương trình hỗ trợ điều chỉnh lối sống và hành vi nhằm mục đích giảm lượng calo nạp vào và tăng lượng calo được tiêu thụ thực sự chưa mang lại hiệu quả vì còn phụ thuộc vào sự thích ứng phức tạp và dai dẳng của nội tiết tố, chuyển hóa, thần kinh, chuỗi quá trình này đã chống lại quá trình giảm cân và thúc đẩy tăng cân.
Mất cân bằng chuyển hóa năng lượng
Một người được gọi là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. BMI được tính theo công thức cân nặng (ki lô gam) chia cho bình phương chiều cao (m2).
Trên đa số đối tượng, BMI dùng để đánh giá lượng mỡ của cơ thể. Tuy nhiên đối với vận động viên cơ bắp không dùng BMI để đánh giá mỡ vì đối tượng này không có mỡ thừa.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự mất cân bằng chuyển hóa năng lượng, gây nên tình trạng thừa cân béo phì được mô tả trong bảng sau đây:
Theo đó, chuyển hóa là quá trình cơ thể chuyển những thức ăn và thức uống thành năng lượng, trong quá trình chuyển hóa phức tạp này, calo trong thức ăn và thức uống sẽ kết hợp với oxy tạo năng lượng cần thiết cho các hoạt động cơ thể. Ngay cả khi một người đang nghỉ ngơi hoàn toàn, cơ thể vẫn cần năng lượng để thực hiện các chức năng cơ bản như hít thở, lưu thông máu, điều chỉnh nồng độ hóc môn, các tế bào phát triển và sửa chữa.
Tùy vào nhu cầu từng cá nhân khác nhau về giới tính và lứa tuổi mà quá trình chuyển hóa cơ bản xảy ra. Hai yếu tố quyết định tỷ lệ chuyển hóa cơ bản, trong đó có bao nhiêu calo được cơ thể sử dụng mỗi ngày là quá trình chuyển hóa thức ăn và hoạt động thể lực. Theo nghiên cứu, mỗi ngày chúng ta tiêu thụ khoảng 100-800 calo với các hoạt động sinh hoạt bình thường. Chúng ta không thể kiểm soát tốc độ chuyển hóa cơ bản, chỉ có thể kiểm soát bao nhiêu calo đốt đi mỗi ngày thông qua các hoạt động thể lực, càng năng động, càng đốt nhiều calo.
Tập thể dục như đi bộ, chạy bộ và bơi lội là cách hiệu quả nhất để đốt calo, mỗi ngày 30 phút là chúng ta có thể đạt được mục tiêu cơ bản. Nếu chúng ta muốn giảm cân thì phải vận động nhiều hơn nữa, thêm 10 phút nữa mỗi ngày; cần tập luyện sức mạnh như nâng tạ hai lần mỗi tuần để tăng cơ, mô cơ sẽ đốt nhiều calo hơn mô mỡ. Một hoạt động khác cũng giúp đốt thêm calo là thời gian vận động ngày sau nhiều hơn ngày trước vài phút, chạy bộ cầu thang và đi bộ xa hơn mỗi ngày một chút, rửa xe, làm vườn, làm việc nhà… cũng là cách đơn giản để đốt calo.
Đừng trông chờ việc uống thực phẩm chức năng để mong đốt được thêm calo hay giảm đi số cân nặng mà không cần vận động. Thực tế cũng có nhiều thực phẩm chức năng thực sự an toàn và hiệu quả nhưng người sử dụng vẫn cần được bác sĩ tư vấn sử dụng sao cho đúng và kết hợp với kiểu vận động nào phù hợp. Theo khuyến cáo của Hội dinh dưỡng Hoa kỳ, cứ 500-700 calo bị đốt cháy mỗi ngày sẽ giúp giảm từ 500-700 gram cân nặng và với chương trình tập luyện phù hợp, việc giảm cân sẽ không còn là vấn đề không tưởng dù chúng ta bước qua tuổi trung niên.
Béo phì làm khớp gối mau hư
Béo phì và thoái hóa có liên quan chặt chẽ với nhau. Khớp gối chúng ta hàng ngày phải chịu tải trọng của trọng lượng cơ thể khi đi lại. khớp gối chịu một lực tác động gấp 2 đến 3 lần trọng lượng cơ thể khi chúng ta lên cầu thang là vì khi bước lên cầu thang nhóm cơ tứ đầu đùi phải gia tăng lực để kéo chúng ta bước lên. Những nghiên cứu về áp lực khớp gối của vận động viên chạy marathon cho thấy có sự gia tăng áp lực trong sụn khớp sau một buổi chạy bộ 42km. Như vậy, béo phì sẽ làm gia tăng lực tác động lên khớp gối và như vậy sẽ làm khớp gối mau bị hư hơn.
Hãy tưởng tượng ngày xưa “em như chim sáo” với tầm trọng lượng 45 ki lô gam, sau khi có tuổi “em như con voi con bé bỏng” với trọng lượng trung bình 70kg thì cũng dễ hiểu tại sao khớp gối mau hư. Sự kết hợp giữa tuổi tác (càng lớn tuổi khớp gối càng hư theo quy luật tự nhiên mà khả năng hồi phục lại kém đi so với tuổi trẻ) và trọng lượng sẽ đẩy tốc độ mòn khớp gối nhanh hơn. Bên cạnh đó, béo phì hay kèm theo rối loạn chuyển hóa. Khi béo phì, cơ thể sẽ tăng tiết các chất gây viêm nhiều hơn, do vậy hiện tượng viêm thoái hóa khớp gối của người béo phì sẽ mạnh hơn và gây tổn thương sụn khớp. cho đến nay, béo phì được xếp là yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối.
Đến đây chắc quý độc giả sẽ hiểu việc kiểm soát trọng lượng cơ thể, kiểm soát tình trạng béo phì là hết sức quan trọng không chỉ cho khớp gối mà cho cả hệ tim mạch, nội tiết và toàn cơ thể.
Tăng Hà Nam Anh – BS. Trần Thị Thanh Trúc
Trung tâm chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM