UBND TP Cần Thơ có dự thảo chương trình “Liên kết phối hợp các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế”. Trong đó, dự kiến sẽ nối lại các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh.
- TPHCM dự kiến cho xe khách liên tỉnh chạy trở lại từ ngày 1-11
- Di chuyển liên tỉnh bằng xe khách như thế nào?
- Hành khách và các hãng bay ‘khốn khó’ trong ngày đầu mở lại đường hàng không
Theo dự thảo nêu trên, việc liên kết nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu, bao gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Trong các nội dung hợp tác, thì với lĩnh vực giao thông, dự thảo dự kiến sẽ mở lại hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh; vận tải khách cố định bằng xe buýt liên tỉnh trên cơ sở thống nhất giữa các địa phương.
Việc thực hiện sẽ giảm số chuyến, phương tiện kinh doanh, hành khách của từng phương thức vận tải và chia theo từng giai đoạn cụ thể.
Đối với loại hình vận tải xe hợp đồng, xe du lịch và taxi không được chở quá 50% số người được phép chở cho đến khi thực hiện trạng thái bình thường mới giữa các địa phương.
Vận tải hàng hoá, vận chuyển công nhân, chuyên gia, thì được phép hoạt động với tần suất 100% (kể cả nội tỉnh và liên tỉnh) nhằm phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho thu gom, lưu thông, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá.
Đối với vận tải khách đường thủy tuyến cố định liên tỉnh, bến khách ngang sông liên tỉnh, thì thực hiện theo tỷ lệ phần trăm hành khách được chở trên tàu hoạt động trên tuyến đường thuỷ nội địa và chia theo từng giai đoạn trên cơ sở thống nhất giữa Sở Giao thông Vận tải các địa phương hai đầu bến thủy nội địa.
Bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa, thì phương tiện vận chuyển hàng hoá hoạt động với tần suất 100% kể cả nội tỉnh và liên tỉnh. Cảng biển, tàu biển vận chuyển hàng hoá cũng được hoạt động với tần suất 100% kể cả nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Về hàng không, thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam về quyết định khôi phục các đường bay, tần suất khai thác các đường bay nội địa, quốc tế. Đồng thời, tiếp tục đề xuất nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc theo hướng mở các tuyến mới nhằm phục vụ phát triển của toàn vùng.
Dự thảo cũng yêu cầu rà soát, lập danh sách phương tiện và lịch trình vận chuyển hàng hoá thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất gửi Sở Giao thông Vận tải để điều phối đảm bảo thông suốt.
Mặt khác, thống nhất tổ chức kiểm soát tại các chốt kiểm dịch đường bộ, đường thủy giữa các địa phương để kiểm soát toàn bộ các phương tiện ra vào giữa các địa phương đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển dụng cụ, trang thiết bị y tế, hàng hoá, nhân sự phục vụ công tác phòng, chống dịch; phương tiện vận chuyển hàng hoá nông, thuỷ sản; vận chuyển vật liệu phục vụ cho các dự án, công trình trọng điểm để đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư.
Ngoài lĩnh vực giao thông, bảy địa phương vùng Nam sông Hậu cũng liên kết trên lĩnh vực lao động – việc làm; thương mại – dịch vụ; nông nghiệp; y tế và thông tin truyền thông.
Dự kiến, ngày 19-10 tới, bảy địa phương nêu trên sẽ họp trực tuyến để cho ý kiến về dự thảo phối hợp liên kết như nêu ở trên.
Trung Chánh
Theo KTSG Online