(SGTT) – Nguồn cát biển sẽ được dùng đắp nền cho đoạn tuyến chính cao tốc Hậu Giang – Cà Mau dài 45km, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
- Trình dự án đầu tư hơn 9.100 tỉ đồng xây cao tốc Dầu Giây – Tân Phú
- Đầu tư hơn 282 tỉ đồng xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn
TTXVN dẫn thông tin từ nhà thầu xây dựng gói thầu XL-02, thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau cho biết, đến ngày 11-7 lô 600m³ cát biển đầu tiên khai thác từ Sóc Trăng đã được đưa đến công trường. Cát biển được dùng để đắp nền đường ở đoạn cuối dự án cao tốc thuộc địa phận huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Gói thầu này cần khoảng một triệu m³ cát nhưng mới có được 300.000m³, còn thiếu 700.000 m³. Nhờ có lượng cát biển tăng cường, việc thi công sẽ được đẩy nhanh để bù tiến độ bị chậm do thiếu cát trước đây.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguồn cát biển sẽ được dùng đắp nền cho đoạn tuyến chính dài khoảng 45km, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, nguồn vật liệu này cũng được sử dụng cho đoạn 10km thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Để chuẩn bị cho nguồn vật liệu mới phục vụ thi công cao tốc, từ ngày 29-6, mỏ cát biển ở Sóc Trăng diện tích gần 100ha đã được đưa vào khai thác. Theo đó, lượng cát được thác mỗi ngày khoảng 100.000m³, sau đó dùng sà lan đưa về các công trường xây dựng tuyến cao tốc.
Qua khảo sát, khu vực vùng biển tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát 680 triệu m³, trong đó có 145 triệu m³ cát có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, san lấp nền các công trình hạ tầng, đường cao tốc.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) có tổng chiều dài 73km, đoạn qua tỉnh Cà Mau dài 22km. Ngoài ra, trên địa bàn Cà Mau có tuyến nối cao tốc vào quốc lộ 1 dài gần 17km.