THÁI HÀ -
Tháng trước, khi xuất hiện trên một chương trình truyền hình, Michael Ferro Jr., Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản báo chí Tronc, trước đây là Tribune Publishing, có một tuyên bố đáng kinh ngạc: “Hiện tại chúng tôi đang sản xuất vài trăm video mỗi ngày, tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiến tới làm 2.000 video mỗi ngày”. Tập đoàn của ông Ferro lao đao trong thời gian qua, phải đổi tên, làm sao có thể sản xuất được cỡ 750.000 video trong một năm?
Wibbitz, công ty làm dịch vụ sản xuất video hàng loạt một cách tự động. Khách hàng của họ là các tạp chí, báo và kênh truyền hình của Tập đoàn Bonnier.
Mục tiêu của Tronc nghe có vẻ nghịch tai nhưng nó không xa thực tế. Để theo đuổi lợi nhuận từ video quảng cáo và thành công trong việc thống trị những nền tảng xã hội như Facebook, ngày càng nhiều Tập đoàn xuất bản đang hướng đến công nghệ, hứa hẹn sản xuất video hàng loạt một cách tự động.
Hiện thị trường cho dịch vụ này có hai công ty lớn là Wochit và Wibbitz, vừa đặt văn phòng tại New York, London và Tel Aviv. Khách hàng của Wochit gồm Time Inc., CBS Interactive, The Huffington Post, Rotten Tomatoes và NowThis News. Khách hàng của Wibbitz có các tạp chí, báo và kênh truyền hình của Tập đoàn Bonnier.
“Theo cách làm video truyền thống, chúng tôi sử dụng nhóm phóng viên ra bên ngoài quay phim và các nhóm làm hậu kỳ ở nhà”, Chris Pirrone, quản lý kênh thể thao số của tờ USA Today nói, “Làm như vậy, một là đắt, hai là mất thời gian. Bởi thế chúng tôi phải tìm đến những công cụ hữu ích hơn”.
“Chúng tôi có hơn 40 ấn phẩm, hợp tác với Wibbitz cho phép chúng tôi tạo ra rất nhiều video”, Sean Holzman, Giám đốc bộ phận kỹ thuật số ở Tập đoàn Bonnier cho biết. Dịch vụ của Wibbitz và Wochit giống nhau, họ phân tích, tổng kết tin bài, sau đó tự động tìm video clip và hình ảnh phù hợp với nội dung, tự động bắn chữ lên video. Họ lấy video clip và hình ảnh chủ yếu từ các nguồn như Getty Images, The Associated Press.
Mức độ can thiệp của con người lên các đoạn video tin tức trước khi xuất bản tùy thuộc vào khách hàng. Khách hàng có thể nhúng tay vào ngay từ lúc đầu tiên, thực hiện công việc biên tập, thêm các dữ liệu nguồn, hoặc họ có thể để máy móc làm hết tất cả các phần việc. Wibbitz có thể quét cả một trang web sau đó tạo ra một video clip ở dạng thô cho mỗi bài đã từng đăng trên trang web đó.
Theo Công ty Wochit, các khách hàng hiện sử dụng công cụ của Wochit để sản xuất khoảng 30.000 video mỗi tháng, gấp đôi so với hồi tháng 1-2016. Wibbitz cũng cho biết khách hàng dùng phần mềm của họ hiện tại tăng gấp đôi so với đầu năm nay, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Wochit và Wibbitz chia sẻ doanh thu quảng cáo với một số công ty xuất bản. Wochit cũng bán quyền sử dụng công cụ của họ theo đăng ký từng tháng. Họ nói rằng nhu cầu sử dụng của họ ngày càng tăng cao vì các công ty xuất bản đang rất cần nhiều video để đưa lên Facebook và các mạng xã hội khác.
Trong một hội thảo về công nghệ tháng 6-2016, một phó chủ tịch Facebook mô tả video “như là cách tốt nhất để kể những câu chuyện trong thế giới này” và gợi ý rằng có thể tất cả các dạng tin đều được thực hiện dưới dạng video trong năm năm nữa. Hiện nay, trên nhiều trang mạng, video clip có nội dung liên quan đến tin bài đều được đặt trong cùng trang với tin bài, nó tự động chạy khi mở trang lên.
Những người khổng lồ công nghệ đã thực hiện việc sản xuất video tự động này rồi. Nhớ lại, năm 2014, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Facebook ra video “Look Back” cho mỗi cá nhân dùng Facebook, nhắc lại những sự kiện chính họ đã chia sẻ trên Facebook từ khi dùng mạng xã hội này. Tháng trước, Google vừa cho ra mắt công cụ tự sản xuất video cao cấp YouTube Director, khuyến khích các chủ doanh nghiệp tự làm video quảng cáo.
Các công ty xuất bản nhận thức sâu sắc rằng công cụ mới này có thể giúp họ rút ngắn khoảng cách với Google và Facebook về lượng truy cập. Ông Pirrone của tờ USA Today cho biết báo điện tử chỗ ông đã thực hiện việc chuyển hết các bài báo thành video, và vẫn có bàn tay chỉnh sửa của con người. “Nếu không đụng tay vào, người đọc sẽ nhận ra đó không phải là sản phẩm cao cấp”, ông nói thêm.
Tronc và kế hoạch làm 2.000 video mỗi ngày không phải là gì ghê gớm lắm, vì trong tập đoàn này có rất nhiều tờ báo như Los Angeles Times, Chicago Tribune, Baltimore Sun… hàng ngày sản xuất ra hàng ngàn bài báo. Thoát khỏi sự thâu tóm của Tập đoàn Gannett cạnh tranh, tập đoàn được thành lập năm 1847 mới đổi tên hồi tháng trước từ Tribune Publishing sang Tronc – viết ngắn lại của “tribune online content”, tức “diễn đàn nội dung trực tuyến”, nhấn mạnh vào sản xuất báo mạng.
Theo ông Malcom Casselle, Giám đốc công nghệ của Tronc, lượng truy cập vào những trang có video nội dung lớn hơn hẳn những trang không có, dẫn tới quyết định sản xuất nội dung video đại trà của tập đoàn xuất bản này.