(SGTT) – Tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì sau 10 năm đã tăng gấp 2 lần. Trong đó, trẻ em ở thành thị có tỷ lệ này cao gấp 3 lần. Đây là kết quả của cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc trong 10 năm qua, theo trang tin của Bộ Y tế.
- Trẻ em béo phì nguy cơ mỡ máu cao
- Quan điểm sai về thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ
- Người trẻ tuổi bị béo phì dễ gặp tình trạng tồi tệ khi nhiễm Covid-19
Thừa cân, béo phì ở trẻ em hiện đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.
Theo Tuổi Trẻ, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Dựa trên kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020.
Tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân trẻ em béo phì ngày càng tăng phần lớn là do dinh dưỡng không cân bằng. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải theo dõi các chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể theo tuổi và giới tính) của trẻ nhiều hơn.
Thực tế, dù nhiều phụ huynh nhận thức được thừa cân, béo phì là không tốt nhưng vẫn còn chủ quan và rất ít khi chủ động kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến hơn một nửa số phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế.
Để giúp trẻ phát triển cân đối cũng như phòng chống thừa cân béo phì, các chuyên gia khuyến nghị phụ huynh cần xem lại chế độ ăn của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cần tăng cường vận động, thể lực, chú ý chế độ sinh hoạt và theo dõi tiến trình phát triển của trẻ thông qua biểu đồ tăng trưởng để hướng đến một thế hệ khoẻ mạnh.
Minh Thảo tổng hợp