Bệnh cao huyết áp, ung thư, tiểu đường đang được xem là “cơn đại dịch của thế kỷ”. Các bệnh này đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
“Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 30% trường hợp tai biến mạch máu não đáng lẽ đã không xảy ra, ít nhất 20% bệnh nhân ung thư đã có thể được cứu sống và sống một đời sống hoàn toàn bình thường, cũng như 40% bệnh nhân tiểu đường đáng lẽ đã không bị mù mắt nếu bệnh nhân đến với thầy thuốc sớm hơn”, đây là những ghi nhận được BS. Lương Lễ Hoàng nêu ra trong buổi tọa đàm “Phòng chống bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư” tại Bệnh viện Hồng Đức vào ngày 25-10.
Cao huyết áp: tác nhân hàng đầu bệnh tim mạch
Theo con số thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, hiện nay cứ 100 người Việt Nam thì có 25 người gặp tình trạng về tăng huyết áp. BS. Lương Lễ Hoàng nhận định, bệnh tim mạch vẫn đang đứng đầu về tỷ lệ tử vong, nguyên nhân chủ yếu là do cao huyết áp không được phát hiện, không được điều trị tới nơi, tới chốn; bên cạnh đó có tác nhân do bị nhồi máu cơ tim và bị tiểu đường. Hiện tỷ lệ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử thường nằm trong độ tuổi 40-50, có cả những trường hợp tai biến mạch máu não ở người trẻ hơn.
Cao huyết áp nếu không được điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim và dẫn tới tử vong. Vì thế, cách phòng bệnh rất quan trọng. BS. Hoàng cho rằng, để phòng bệnh cao huyết áp thì tốt nhất là đừng để béo phì, hạn chế tăng mỡ máu, thường xuyên vận động và giảm bớt yếu tố stress. Đặc biệt nên phòng ngừa bệnh tiểu đường vì với bệnh này thì sẽ rất dễ bị tăng huyết áp.
Giải đáp thắc mắc về biện pháp phòng ngừa bệnh cao huyết áp, BS. Hoàng nói tốt nhất mọi người nên tầm soát bệnh cao huyết áp định kỳ bằng việc mỗi nhà có một máy đo huyết áp và phải có kiến thức về cách đo huyết áp sao cho đúng.
Ngoài ra, mọi người cần định kỳ đến thầy thuốc để được thăm khám xem liệu bản thân có bị cao huyết áp. Bởi thầy thuốc ngoài việc đo huyết áp còn kiểm tra mỡ máu và xem xét các yếu tố khác. Qua đó, thầy thuốc sẽ hạn chế được những biến chứng do cao huyết áp gây ra như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Ung thư ngày càng tăng
Cùng với bệnh cao huyết áp thì ung thư cũng đang là mối lo của mỗi gia đình và toàn xã hội. Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, mỗi một ngày trôi qua có khoảng 150.000 bệnh nhân mắc bệnh ung thư và phân nửa trong số này đã tử vong. Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi ngày thăm khám 1.500 bệnh nhân ung thư và luôn trong tình trạng quá tải.
Chia sẻ về vấn đề này, BS. Hoàng cho biết, môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm chứa chất độc hại… là những nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong ngày càng nhiều. Điều này khá nghịch lý vì với sự tiến bộ của y khoa thì ung thư hiện không còn là căn bệnh nan y. Tuy nhiên, đa phần bệnh đều được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối vì vậy khó có cơ hội chữa trị.
Theo BS. Hoàng, ung thư có thể được đẩy lùi nếu thầy thuốc có đủ cơ hội điều trị bệnh ngay từ đầu. Đối với những người mà cơ tạng dễ bị ung thư thì bác sĩ sẽ phòng bệnh bằng cách cung cấp cho cơ thể những chất kháng ôxy hóa, tăng cường thêm sức đề kháng. Từ đó, có thể hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư sang u ác tính.
Tiểu đường: mối nguy hiện nay
Trong buổi tọa đàm, một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm và đề cập, đó là bệnh tiểu đường và cách phòng chống.
Cũng theo một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cao trong khu vực châu Á. Năm 1990, tại TPHCM chỉ có 2,5% người bị mắc bệnh tiểu đường thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 7-10%. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, trong thập niên này mối nguy của Việt Nam không phải là bệnh nhiễm khuẩn, bệnh HIV mà là bệnh tiểu đường.
BS. Hoàng nói: “Tiểu đường đang là căn bệnh phát tán cùng lúc trên khắp năm châu với tốc độ khá nhanh. Bệnh tiểu đường không phải do ăn ngọt như mọi người vẫn thường nghĩ bởi thực tế có nhiều người dù không hề ăn ngọt vẫn bị bệnh. Bệnh ngày càng phát sinh ở các quốc gia đang căng thẳng về phát triển kinh tế như nước Việt Nam chúng ta”.
Ông cho rằng, nếu cuộc sống căng thẳng, đầy lo lắng, áp lực thì dù bản thân không ăn ngọt thì lượng đường trong máu vẫn tăng. Và hiện bệnh nhân bị tiểu đường đang là nhóm đối tượng hàng đầu dễ bị bệnh ung thư.
“Vấn đề khiến tôi lo lắng là làm thế nào có thể hạn chế được sự phát triển của bệnh tiểu đường. Bởi thực trạng hiện nay nhiều người dù biết bản thân bị bệnh nhưng vẫn che giấu và không bao giờ chịu đi khám vì họ sợ điều trị”, ông nói.
Cũng theo vị bác sĩ này, chữa bệnh tiểu đường có nghĩa là làm thế nào để người bệnh không bị di chứng mù mắt, đoạn chi, suy thận, tai biến mạch máu não do bệnh tiểu đường gây ra. Muốn điều trị bệnh tiểu đường cần phải có phác đồ điều trị, mô hình theo dõi chặt chẽ chứ không phải chỉ đo đường huyết. Bởi nhờ theo dõi, thầy thuốc mới kịp thời thay đổi việc điều trị để đường huyết trở nên ổn định. Theo một nghiên cứu, một người nếu có lượng đường huyết cao hơn trung bình một chút nhưng luôn ổn định thì người đó sẽ không bị biến chứng bằng người có đường huyết dao động. Vì vậy, ông khuyên mọi người nên đăng ký khám, theo dõi bệnh tiểu đường định kỳ tại bệnh viện. Đó là điều nên làm và tốt cho sức khỏe.
“Muốn phòng tránh những căn bệnh như cao huyết áp, tiểu đường và ung thư thì mọi người nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày; ăn khẩu phần lành mạnh, đặc biệt nên ăn nhiều chất xơ, ít ăn thịt, tránh ăn nhiều mì ăn liền; hạn chế uống rượu, bớt ăn mặn, chỉ nên ăn một ngày tối đa một muỗng cà phê muối; đặc biệt tiêm chủng đầy đủ và tránh những bức xạ tia tử ngoại từ mặt trời”, BS. Lương Lễ Hoàng đưa ra lời khuyên khi kết thúc buổi tọa đàm.
Lam Giang