Trong một buổi học về giới tính cho học sinh lớp 8 tại TPHCM, khi bác sĩ yêu cầu học sinh sắp xếp các quy trình của một mối quan hệ khác phái. Đa phần học sinh cho rằng nên “ấy” (quan hệ tình dục) trước khi tìm hiểu để yêu thương. Lý do mà các học sinh đưa ra là “tìm hiểu làm gì cho mất công!”.
700.000 ca nạo phá thai mỗi năm
Có thể thấy rằng tại Việt Nam hiện nay, quan niệm về tình dục ngày càng thoáng hơn xưa. Cũng vì vậy, vấn đề an toàn tình dục luôn được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nâng lên mức báo động. Theo đó, người ta lo ngại trước thực trạng quá nhiều cặp đôi trẻ tuổi có quan hệ tình dục trước hoặc sau hôn nhân nhưng không mấy khi để ý đến chuyện an toàn tình dục, bảo vệ sức khỏe của mình hoặc "đối tác".
Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), có đến 1/3 thanh niên Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là nhóm vị thành niên. Trên thực tế, theo GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), cho biết tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TPHCM, với dân số khoảng 7 triệu người, nếu mỗi năm có khoảng 100.000 ca sinh thì số ca nạo phá thai cũng tương đương như vậy. Tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người. Cả nước có 5% phụ nữ sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi, trong đó số thanh niên chưa lập gia đình chiếm khoảng 30%.
Còn theo số liệu từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca, trong đó 30-40% người phá thai là học sinh, sinh viên và công nhân.
Cùng với thực trạng đó, mỗi năm có 800.000-1.000.000 ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản A, Bệnh viện Từ Dũ, an toàn tình dục được hiểu đơn giản là cả hai có quan hệ tình dục mà không lo đến những điều ngoài mong đợi như mang thai hoặc lây truyền bệnh tình dục. Hiện nay, ngoài những bệnh tình dục như nấm, lậu, giang mai, HIV, còn có những nguy cơ lây nhiễm bệnh khác nếu quan hệ tình dục không an toàn như bệnh viêm gan siêu vi B, siêu vi C... có thời gian ủ bệnh lâu, không có triệu chứng ban đầu nên nhiều người không biết mình bị bệnh, kết quả là họ vẫn lây bệnh cho người khác qua đường tình dục. Biện pháp tốt nhất hai người tình nên sử dụng là dùng bao cao su. Ngoài việc phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục, bao cao su còn có tác dụng tránh mang thai ngoài ý muốn với hiệu quả cao.
An toàn tình dục còn giúp người nữ không mang thai ngoài ý muốn, không để xảy ra tình trạng phá thai, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tâm thần hiện tại cũng như tương lai.
[box type="download"] Theo các bác sĩ, các biện pháp giúp phòng tránh thai ngoài ý muốn cũng như tránh lây nhiễm bệnh khi có quan hệ tình dục phổ biến là dùng bao cao su, thuốc tránh thai định kỳ hoặc khẩn cấp, chung thủy với một bạn tình và đảm bảo bạn tình không mắc các bệnh lây qua đường tình dục... Trong đó, dùng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục là biện pháp duy nhất vừa có tác dụng tránh thai lại có thể ngăn ngừa các lây truyền qua đường tình dục.[/box]
“Hươu” không biết đường, “hươu” chỉ muốn “ấy”
Ths.BS. tâm lý Kiều Thanh Hà, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết bà đang thực hiện một khóa giáo dục giới tính cho học sinh tại một trường chuyên cấp 2 ở TPHCM. Qua khảo sát, có tới hơn 90% các bạn học sinh lớp 8 đã biết yêu. Trong lớp học đó, trò chơi mà bác sĩ đưa ra có tên gọi là “Gọi tên người bạn”. Theo đó, những “người bạn” này lần lượt có tên là “Tìm hiểu”, “Yêu”, “Ấy” (quan hệ tình dục), “Bạn và dừng lại”. Đề ra của bác sĩ là các học sinh lớp 8 “nếu biết yêu, bạn sẽ sắp xếp yếu tố nào trước?”. Kết quả, phần nhiều học sinh cho rằng “Ấy” được xếp đầu tiên rồi mới đến “Tìm hiểu”, “Yêu”... “Các bạn học sinh nhỏ của chúng ta cho rằng tìm hiểu làm chi cho mất công, “ấy” luôn cho rồi. Cách nói của các em với vẻ mặt rất bình thường”, BS. Hà kể.
Theo bà Hà, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên cao là do các em đã quan hệ tình dục quá sớm nhưng lại mù mờ về kiến thức sức khỏe sinh sản. Cụ thể, một kết quả khảo sát cho thấy hơn 90% trẻ vị thành niên không biết độ tuổi có thai phù hợp, 61% không biết thời điểm dễ mang thai cũng như 50% không biết các biện pháp tránh thai. Trong khi đó, các thông tin về tình dục hiện ngày càng dễ tìm thấy (phim ảnh, báo chí nhất là các loại hình báo mạng)... “Gia đình và học đường vẫn còn nhiều lúng túng trong việc giáo dục về tình dục cho trẻ vị thành niên”, bà Hà nói.
TS.BS. Lê Thị Thu Hà, cho rằng ở vị trí cha mẹ, chúng ta không thể cấm trẻ đi ngược lại nhu cầu tình cảm và sinh lý. Tuy nhiên chúng ta có trách nhiệm giáo dục trẻ có nếp sống tình dục đúng đắn và thông hiểu các biện pháp quan hệ tình dục an toàn (biện pháp phòng tránh thai và biện pháp phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục).
Ngoài ra, tình dục là một vấn đề mang tính riêng tư, trẻ vị thành niên không thích cha mẹ quá quan tâm đến mối riêng tư này. Mặc dù đây là một chủ đề khó đề cập, nhưng không phải vì thế mà không thể có bất kỳ đối thoại nào. Nếu cha mẹ cảm thấy không thể chủ động đề cập vấn đề này trước độ tuổi vị thành niên của trẻ thì ít ra cũng không nên né tránh mà phải tạo điều kiện để xây dựng đối thoại cần thiết.
Theo một chuyên gia về tâm lý tại TPHCM, nhiều bậc cha mẹ cho rằng có nên nói với trẻ vị thành niên về vấn đề quan hệ tình dục an toàn hay không khi con của họ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Rất nhiều cha mẹ lo lắng rằng liệu nói với con quá sớm về vấn đề này có làm cho trẻ có quan hệ tình dục sớm hơn độ tuổi nếu như trẻ không biết, nôm na là sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. “Nếu không nói gì hết, có nghĩa là chúng ta đặt con của mình trước những nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn. Hươu không biết đường, hươu càng dễ sai phạm hơn”, vị này nói.
Bình An