Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Bánh phồng Phú Mỹ, món ngon ngày tết tại An Giang

(SGTT) - Bánh phồng là một trong những loại bánh ngon đã có từ rất lâu đời. Nghề truyền thống này cho đến nay bà con ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang vẫn còn giữ và phát triển mạnh trong cả xóm, gọi “xóm bánh phồng Phú Mỹ”.

Mỗi ngày, hàng vạn chiếc bánh phồng “tròn tròn như lá tía tô” này được các bạn hàng lấy sỉ đem đi bỏ mối tại hầu khắp các chợ lớn, nhỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày trước ở nông thôn Nam bộ cứ gần tết, nhà nào cũng tất bật lo quết vài ba “ổ” bánh phồng để dâng cúng Tổ tiên trong những ngày thiêng liêng đầu năm đầu tháng. Nhưng nay, từ ngày có bánh phồng Phú Mỹ tham gia thị trường, mỗi khi ăn tết, bà con ở nông thôn không phải “mỗi nhà mỗi quết” nữa, nhẹ hẳn được khâu này mà vẫn thấy ấm cúng, thiêng liêng.

Không như các loại bánh khác, chỉ do bàn tay mềm mại khéo léo của “phái yếu”, trong sản xuất bánh phồng, công đoạn “quết” rất nặng nhọc đòi hỏi sự đầu tư nhất định của cơ bắp, nên ở khâu này, các lao động nữ đều “nhường” cho phái khỏe. Các bà các cô chỉ việc chọn nếp cội và rặt, đem xôi chín rồi đổ vào cối cho các cánh tay gân guốc thi thố tài năng của mình.

Nếp dẻo ngoẹo, chày quết xuống như bị dính lại, do vậy phải có một người ngồi bên cạnh cái cối để “cho ăn”, tức thấm tay vào thau nước rồi bôi lên mặt xôi trong cối cho đỡ bị dính chày. “Cho ăn” phải đâu là chuyện dễ, bởi họ phải liền tay xới xốc khối nếp to trong cối lên một cách thật nhịp nhàng ngay khi người quết vừa giở chày lên.

Liên tục như thế nên rất mỏi, mệt. Và, do hai bàn tay của họ luôn phải cọ xát với đáy cối, nhứt là cối đá rất nhám nên không thể không rát da.

Mãn mùa quết bánh phồng không ít người phải rướm máu ở mu bàn tay! Khi toàn bộ xôi đã được quết nát nhừ thành bột nhão, người ta mới bàn giao lại cho các bà các chị thực hiện khâu cuối cùng: ngắt và vò sơ thành từng viên nhỏ, rồi vừa dùng ống cán cán mỏng vừa xoay nhẹ để miếng bột to tròn bằng miệng tô. Xong, trải bánh lên chiếu sạch đem phơi, độ hai nắng tốt thì khô, nướng ăn được.

Lửa nướng bánh phồng "đúng sách" phải là lửa rơm, tốt ngọn. Nhưng nay, đồng cạn đồng sâu đều đã thâm canh, cọng rơm lúa, nếp thần nông quá ngắn, lại phải dành dùng vào nhiều việc khác kinh tế hơn, và cũng nhằm phòng chống hỏa hoạn, nên thay vì dùng rơm hoặc các loại chất đốt có lửa ngọn, bà con đốt vỏ dừa khô trong cái om đất để nướng, lửa không khói và rất nóng nên bánh vẫn đẹp, vẫn ngon.

Tết, chỉ cần nướng chừng nửa chục bánh phồng dâng lên để “trước cúng sau ăn”, thế là không khí gia đình trở nên ấm áp, cả nhà cùng quây quần thưởng thức. Các cụ tuy đã rụng hết răng nhưng vẫn “nhai” nghe giòn rụm, ra chiều rất sướng miệng! Nói chung “nam phụ lão ấu” đều thích.

Quy trình sản xuất bánh phồng khá đơn giản, ít vốn, chưa ai làm giàu bằng nghề này, tuy nhiên nó đã giúp không ít người tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng tươm tất hơn.

N.H.H.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Sinh viên đăng ký làm lao động thời vụ năm...

0
(SGTT) - Theo trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cho quý 4 năm...

Dạo quanh Chợ Lớn, nhớ thử vị bánh cuốn bách hoa...

0
(SGTT) - Mở bán hơn 40 năm qua, thương hiệu bánh cuốn Soái Kình Lâm trong khu Chợ Lớn gây ấn tượng cho thực...

Buổi sáng thử vị mì gà người Hoa với xá kén...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, một số tiệm mì người Hoa có chuẩn bị thêm gia vị xá kén để phục vụ thực...

Điều quan trọng cần nghĩ đến nếu muốn tinh gọn bộ...

0
(SGTT) - Đảng và Chính phủ đang thúc đẩy việc sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết...

Mới lạ món hủ tiếu ghẹ, gọi thêm bào ngư giá...

0
(SGTT) - Hủ tiếu là món ăn có nhiều sự biến tấu trong nguyên liệu cũng như cách chế biến. Tại một góc đường...

Tìm chút vị quê nhà bên khung cảnh yên bình tại...

0
(SGTT) - Giữa phố thị ồn ào, Cục Gạch quán như khép mình trong khung cảnh yên bình, hoài cổ. Ẩm thực nơi đây...

Kết nối