Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Bánh ép – món ăn đường phố thú vị ở Huế

(SGTT) - Trong bản đồ du lịch Việt Nam, Huế không chỉ là nơi có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc của cố đô xưa mà đây còn là thiên đường ăn uống hấp dẫn. Từ những món ăn sang trọng như nem công, chả phượng, đến ẩm thực đường phố với bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc, chè… đều có thể quyến rũ mọi thực khách. Trong đó, không thể không kể đến một món ăn vặt quen thuộc với người dân nơi đây, đó chính là bánh ép.

Tên gọi món ăn này xuất phát từ cách chế biến, phải dùng khuôn gang ép bột từ một viên dày thành lá bánh thật mỏng. Muốn vậy, trước tiên cần nhồi bột lọc với nước cho kỹ rồi nặn thành những viên tròn nhỏ. Sau đó ép cho hơi dẹt ra và đặt thịt băm, rắc hành lá lên trên. Thịt heo phải chọn loại có cả nạc lẫn mỡ thì nhân bánh mới ngon, mềm và không bị khô. Thông thường người nấu xào trước cho chín thịt và ướp gia vị đầy đủ để khi chế biến được nhanh hơn và món ăn cũng thêm phần đậm đà.

Bột sống đã chuẩn bị sẵn sàng chờ lên khuôn. Ảnh: Việt An

Để bánh luôn nóng, khi có khách đến, cô chủ mới bắt đầu công đoạn ép bánh. Khuôn gang luôn thật nóng, rưới ít dầu rồi đặt viên bột vào giữa, ép xuống. Có một khoen móc giữa hai tay cầm của khuôn để cài khuôn lại thật chặt, giúp ép cho bột mỏng ra.

Dầu được thêm vào chủ yếu làm cho bột không dính khuôn, vả lại khuôn phẳng lì nên ít đọng dầu, giúp món ăn không bị ngấy. Để chừng 20 giây cho bột chín, mở khuôn ra, thêm trứng đã đánh tan vào rồi tiếp tục ép xuống khoảng 10 giây. Nếu khách muốn ăn dẻo thì làm nhanh, còn muốn ăn giòn thì để bánh trên bếp lâu hơn một chút. Ép bánh cũng là khâu quan trọng nhất của món ăn này bởi làm sao để bánh chín, bột không bị sống sượng, mà mùi thơm thì cứ bay lên.

Chờ khuôn nóng, đặt bột vào, ép chín mỏng rồi rưới trứng lên. Ảnh: Việt An

Bánh đã chín vàng đều, chị chủ nhanh chóng lấy ra đĩa rồi bưng cho khách. Bánh vừa có màu trắng của bột, màu vàng của trứng, màu đỏ của thịt và màu xanh của hành khá bắt mắt. Mỗi bánh đặt trên một đĩa, xếp chồng các đĩa lên nhau rồi cứ thế đếm mà tính tiền.

Bàn ăn là một bức tranh tổng hợp nhiều sắc màu. Ảnh: Việt An

Đã là món ăn Việt thì không thể thiếu nước chấm và rau ăn kèm. Đây chính là những nét vẽ cuối cùng để bức tranh ẩm thực trở nên hoàn mỹ. Pha chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt, bỏ thêm nhiều ớt chưng hoặc tương ớt cho cay đúng chuẩn xứ Huế. Đu đủ, cà rốt bào sợi ngâm chua ngọt, cùng với rau răm, dưa leo ăn kèm. Khi ăn, người ta thường cho rau vào, cuốn miếng bánh lại cho gọn, chấm mắm rồi ăn.

Cuốn bánh lại để ăn. Ảnh: Việt An

Bánh vừa ra lò, nóng hôi hổi, rồi thực khách vừa nhón tay cuốn bánh vừa thổi phù phù vì nóng, ấy vậy mà đã vào quán là sẽ làm một lúc 5-6 cái. Bánh ép mỏng, dễ ăn, lại dùng kèm với nhiều loại rau chống ngán, không gây cảm giác quá no nên hợp cho món ăn vặt buổi chiều. Điểm quan trọng nữa là giá chỉ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/bánh nên khá phù hợp túi tiền.

Đến Huế, mọi người có thể xuống Thuận An (huyện Phú Vang), nơi được coi là xuất xứ của bánh ép để thưởng thức. Nếu gần hơn thì ngay tại thành phố Huế cũng có rất nhiều quán để lựa chọn như quán O Huệ (116 Lê Ngô Cát, cách làng hương Thủy Xuân nổi tiếng khoảng 200m), quán Gia Di (52 Bà Triệu), Nguyễn Du (20 Nguyễn Du)…

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngọt dẻo món mè xửng, đặc sản đất cố đô Huế

0
(SGTT) - Mè xửng là đặc sản không thể tách rời trong biểu tượng văn hóa đất cố đô Huế. Nhiều người nói vui,...

Khám phá hương vị ẩm thực đêm ở Huế cùng bánh...

0
(SGTT) - Đã 22:30, sau một buổi đi dạo khắp phố phường cố đô, chúng tôi cảm thấy cơn đói bắt đầu kéo tới....

Về An Thuận xem làng nghề làm bánh cốm, truyền đến...

0
(SGTT) - Tôi đến làng cốm An Thuận (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TP Huế) vào một ngày đầu Thu khi nắng...

Bản đồ ẩm thực: Đến Huế không thể bỏ qua món...

0
(SGTT) – Dọc con đường dẫn vào nội thành Huế, ngoài những tiệm bún bò, du khách dễ dàng bắt gặp các hàng quán...

Một lần đến Huế, không nên bỏ qua những món ăn...

0
(SGTT) – Cố đô Huế nổi tiếng ngoài nhiều cảnh đẹp nên thơ, cổ kính, nơi đây còn níu giữ chân người đến thăm...

Bản đồ ẩm thực: Ghé xứ Truồi thưởng thức bánh ướt...

0
(SGTT) - Từ thành phố Huế, trên QL1A, đến xứ Truồi qua cây cầu Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên...

Kết nối