(SGTT) - Bánh tằm, bánh bò, bánh đúc, bánh xèo, bánh ít lá gai... của nhiều vùng miền được bày bán ở nhiều nơi tại TPHCM.
Từ xe đẩy, chợ lớn, chợ nhỏ
Chị Huỳnh Sương (quê Hải Dương) thường ghé qua đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để mua các loại bánh dân gian trên đường đi làm về. Chị Sương nói: “Rất dễ tìm mua các loại bánh quê ở đây, từ bánh đúc, bánh rán, bánh trôi, bánh chay miền Bắc tới bánh ít lá gai, nậm lọc, ít trần, bánh đúc miền Trung và bánh tằm, bánh chuối hấp nước dừa, bột lọc, bánh lá mơ… của miền Tây. Lúc dư dả thì ăn cho vui, khi chật vật lại thành những món ấm bụng”.
Nhiều loại bánh dân gian cũng được bán ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Ở đây có sạp hàng bánh nậm lọc, bánh ít trần của bà H. tồn tại gần hai chục năm nay. Nhiều người khen bánh của bà giữ được hương vị nhà quê.
Các hàng quán ven đường và các chợ ở TPHCM bán nhiều loại bánh “nhà quê” với giá phải chăng. Bánh tằm có giá chỉ 5.000-10.000 đồng/phần, bánh bò 10.000 đồng/3 cái, bánh chuối nướng 10.000 đồng/3 cái. Bánh đúc, bánh bột lọc cũng có mức giá như thế.
Bánh đúc gân lá dứa, nước đường cốt dừa; bánh chuối; bánh tằm còn được mang bán ở Chợ quê giữa phố, họp mỗi Chủ nhật hàng tuần ở khuôn viên Đài truyền hình TPHCM, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Chị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, đơn vị tổ chức, cho biết: “Với mong muốn giới thiệu các loại bánh vùng miền, một số thành viên đã tự làm và mang các loại bánh như bánh đúc gân lá dứa, bánh chuối, bánh thuẩn, bánh căn, bánh cam… tới đây bán. Các loại bánh này luôn được người làm cố gắng sử dụng tối đa nguyên liệu tự nhiên”.
Đến nhà hàng sang
Không chỉ được bán trên những mẹt, thúng, xe đẩy ngoài đường hay trong những thau chậu ở sạp hàng trong chợ, những món bánh dân gian còn được kinh doanh tại các nhà hàng.
Đại diện của nhà hàng Bếp Nhà Lục Tỉnh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, cho biết một số loại bánh dân gian như bánh ít trần, bánh đúc, bánh bèo, bánh xèo đậm chất Nam bộ đã được đưa vào thực đơn của nhà hàng này. “Khi đi ăn ở nhà hàng người ta thường nghĩ sẽ là những món sang trọng, khó tìm được món bình dân. Thế nhưng chúng tôi đã đưa các loại bánh dân gian ngon, bình dị để mọi người thưởng thức”, vị đại diện này chia sẻ.
Nhiều khách của nhà hàng Bếp Nhà Lục Tỉnh, thực khách rất yêu thích các món bánh đúc, bánh bèo, bánh ít trần, bánh xèo…
Bà Phạm Thị Anh Thoa, chủ nhà hàng Hẻm 12 trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, cho biết hiện nay Hẻm 12 đang kinh doanh một số loại bánh dân gian như bánh xèo, bánh khọt, bánh bèo…. “Chúng tôi đưa bánh dân gian vào thực đơn vì muốn tạo nên không gian ẩm thực Sài Gòn xưa. Điều này cũng là do nắm bắt thị hiếu của người thành thị sử dụng món ăn hợp thời tiết, dân dã, gợi nhớ quê hương, tuổi thơ trong một không gian sang trọng”, bà Thoa nói.
Quan trọng hơn, theo bà Thoa, với các món bánh dân gian, nhà hàng Hẻm 12 mong muốn giới thiệu ẩm thực, văn hóa ẩm thực của Việt Nam đến với các thực khách nước ngoài – thích khám phá ẩm thực truyền thống của những đất nước họ đi qua.
Nói về lượng tiêu thụ các sản phẩm bánh dân gian, bà Thoa cho biết chúng chiếm khoảng 20% các món có trong thực đơn. “Các món bánh dân gian góp phần làm phong phú, đa dạng thực đơn, cho thực khách thêm nhiều lựa chọn. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa thêm một số loại bánh dân gian của Huế vào thực đơn như bánh bèo, nậm, bánh lọc…”, bà Thoa chia sẻ.
Có thể thấy, nhiều nhà hàng sang trọng tại TPHCM đã thay đổi một chút nguyên liệu của các loại bánh dân gian và trình bày bắt mắt hơn để đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Nhộn nhịp trên chợ trực tuyến
Có thể nói, hoạt động kinh doanh các loại bánh dân gian cũng rất nhộn nhịp trên chợ trực tuyến.
Chị Thúy Oanh, chuyên bán các loại bánh bò lá dứa, bánh da lợn, bánh dừa non, bánh cam phủ đường, bánh cam phủ mè, bánh tằm khoai mì, bánh ít nếp than nhân dừa, bánh ít mặn lá dứa… cho biết những loại bánh này do mẹ và dì chị ở Long An làm, gửi lên Sài Gòn mỗi ngày hoặc cách một ngày cho chị bán. Lượng tiêu thụ, theo chị Oanh, khá ổn định. “Nhiều người sống ở thành phố nhưng xuất thân từ miền quê, nên họ hay nhớ, hay thèm ăn những loại bánh từ quê. Nhờ thế mà tôi duy trì được việc bán buôn này cũng đã 3 năm”, chị Oanh nói. Thông thường, chị sẽ nhận và chốt đơn hàng vào buổi trưa mỗi ngày, sau đó báo cho mẹ chị ở quê làm. Sáng sớm ngày hôm sau bánh còn nóng được gửi xe từ Long An lên giao cho khách ở TPHCM.
Chị Kim Châu cũng đã mở một cửa hàng nhỏ trên Facebook để bán một số loại bánh bà ngoại chị ở quê làm như bánh ít lá gai, bánh bò dừa. “Bà ngoại tôi tự tay đi chợ lựa nguyên liệu, tự tay gói gửi lên cho tôi. Tiền lời tôi biếu bà ăn trầu. Bán bánh là niềm vui của tôi vì tôi còn có bánh bán tức là ngoại, năm nay xấp xỉ 80 còn khỏe, còn vui vầy với con cháu”, chị kể.
Bên cạnh các mặt hàng hải sản từ Phan Thiết gửi vào, chị Huyền Châu cũng nhận đặt hàng bánh bột lọc. Mỗi ký chị bán 100.000 đồng, kèm nước mắm nhà chị tự pha nên giữ hương vị đặc trưng. Chị Lê Diễm cũng nhận đặt bánh ít lá gai từ Quy Nhơn (Bình Định) gửi vào với giá khoảng 7.000 đồng/cái cỡ lớn.
Vũ Yến