(SGTT) - 18 năm trước tôi mua căn nhà 40m2 đất ở quận Gò Vấp (TPHCM) với giá 1 tỉ đồng. Việc mua bán thông qua người môi giới và người này gợi ý chỉ ghi giá trị 200 triệu đồng trên hợp đồng để giảm tiền đóng thuế, phí.
Bạn đọc có thể tải các tài liệu về dự thảo bảng giá đất mới theo các đường dẫn bên dưới: |
Dường như lúc đó ai cũng làm vậy, bởi bảng giá đất của Nhà nước quy định quá thấp, chẳng ai dại gì kê khai cao quá nhiều so với bảng giá. Tình trạng “bất thường” này lại là điều “bình thường” diễn ra hàng chục năm qua ở Việt Nam, không chỉ làm thất thu thuế mà còn làm méo mó thị trường bất động sản.
Hai năm trước, tôi bán căn nhà này và làm thủ tục, dịch vụ mua bán qua một ngân hàng. Tôi định sẽ kê khai giá theo bảng giá đất của Nhà nước hoặc cao hơn một chút cho an toàn. Nếu tính theo vị trí, đường phố và bảng giá để tính toán mức đóng thuế nhà đất hàng năm thì áng chừng, giá kê khai của căn nhà nói trên hiện cỡ 250-300 triệu đồng là cao.
Thế nhưng, cô nhân viên dịch vụ nhà đất của ngân hàng khuyên là không nên khai như vậy, bởi sẽ không làm được thủ tục mua bán do cơ quan thuế trả hồ sơ, bắt khai lại. Người này còn nói, nếu hai bên mua và bán là kê khai thấp thì không chỉ bị trả hồ sơ làm để lại từ đầu mà có khi hồ sơ còn bị chuyển sang cơ quan công an xem xét có trốn thuế hay không.
Không biết cô tra ở đâu mà tính ra giá kê khai cho ngôi nhà của tôi là hơn 98 triệu đồng/m2, tính ra giá trị hợp đồng là 3,95 tỉ đồng, cao hơn 16 lần so với bảng giá đất và bằng giá bán thực sau khi trừ phí môi giới. Sau một lúc đắn đo, tôi và người mua đã đồng ý với mức giá này. Tôi phải đóng thuế thu nhập 2%, người mua đóng lệ phí trước bạ 0,5%, chưa kể phí công chứng 0,1%.

Việc điều chỉnh bảng giá đất (từ 1/8), nhiều chuyên gia cho rằng, chịu thiệt thòi nhất là những hộ dân có nhà đất thuộc các khu vực “quy hoạch treo”. Nhiều năm qua, các hộ dân này không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất theo giá thấp. Nếu sắp tới được xoá quy hoạch, họ lại chịu thiệt thòi lần hai vì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất rất cao. Hiện có bao nhiêu hộ dân, số thửa và diện tích nằm trong tình trạng này? TPHCM xử lý thế nào về vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi cho người dân và thực hiện đúng các quy định?
Việc ban hành Bảng giá đất (tiệm cận với giá thị trường) và áp dụng ngay vào thời điểm này cho tất cả các đối tượng sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân Thành phố, đặc biệt là các đối tượng khó khăn có thu nhập thấp, người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, làm giá đất thị trường cần tăng cao. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, đề xuất Bảng giá đất (điều chỉnh) được ban hành chỉ áp dụng cụ thể một số đối tượng, dự án, tuyến đường…để giải quyết các dự án, công trình cấp thiết hiện nay liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, không áp dụng cho tất cả các đối tượng.
Sao không điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND theo cách lấy giá đất quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND ngày 21/12/2023 cho đơn giản?