Thứ sáu, Tháng năm 16, 2025

Bán lẻ chạy đua giành thị phần

Vũ Yến -

Thời gian gần đây, các cửa hàng tiện lợi đang mọc lên như nấm sau mưa. Một số thương hiệu bán lẻ, bên cạnh việc phát triển hệ thống siêu thị lớn và trung tâm thương mại, đang tập trung vào phân khúc cửa hàng tiện lợi.

Ra ngõ gặp cửa hàng

cuahangtienloiBên cạnh việc phát triển hệ thống siêu thị lớn và trung tâm thương mại, một số thương hiệu bán lẻ đang tập trung vào phân khúc cửa hàng tiện lợi. Trong ảnh là một cửa hàng tiện lợi tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Ngày 29-10 vừa qua, người tiêu dùng tại khu vực đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TPHCM đã có thêm một địa chỉ mua sắm mới khi tại đây xuất hiện một cửa hàng mang tên Co.op Smile. Đây là mô hình cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op).

Về quy mô, Co.op Smile chỉ bằng một nửa so với cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food. Nhưng không giống Co.op Food, nơi kinh doanh thực phẩm tươi sống và các mặt hàng tiêu dùng nhanh (thức uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình…), Co.op Smile chỉ bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Tính tới nay, Saigon Co.op đã mở ba cửa hàng tiện lợi Co.op Smile tại TPHCM.

Cách đây độ mươi ngày, trên trang tuyển dụng trực tuyến, Công ty cổ phần Seven System Việt Nam, tức 7-Eleven Việt Nam, đã cho đăng tuyển ba vị trí gồm trưởng phòng quản lý chất lượng, chuyên viên truyền thông và chuyên viên ngành thực phẩm tươi sống. Như vậy, mặc dù chưa tuyên bố thời điểm khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam nhưng nhà bán lẻ của Nhật Bản với khoảng 60.000 cửa hàng tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có những bước chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.

Có lẽ chưa bao giờ thị trường bán lẻ lại nhộn nhịp như lúc này khi hàng loạt các thương hiệu trong và ngoài nước tham gia, đi theo đó là các cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường. Trong số đó phải kể đến các thương hiệu như VinMart+ (Tập đoàn Vingroup), Zakka Mart (Công ty cổ phần Zakka), Shop & Go (Singapore), B’s Mart (Thái Lan), Ministop (Tập đoàn Aeon) và FamilyMart của Nhật Bản.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của các thương hiệu cũng như ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay tại TPHCM, B’s Mart đã mở khoảng 150 cửa hàng, Ministop có 66 cửa hàng, Zakka Mart có 40 cửa hàng, Circle K có 200 cửa hàng tại TPHCM, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội. Tương tự, hệ thống Shop&Go có 73 cửa hàng chính và 22 cửa hàng nhượng quyền, FamilyMart có 110 cửa hàng, còn hệ thống VinMart và VinMart+ có khoảng 1.000 siêu thị trên toàn quốc.

Giới quan sát thị trường cho rằng số lượng siêu thị tiện lợi sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi thương hiệu nào cũng đặt mục tiêu sẽ mở từ vài trăm đến cả ngàn điểm bán hàng. Cùng là cửa hàng tiện lợi, nhưng cách thức hoạt động của các thương hiệu có phần khác nhau. Có siêu thị mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng có thương hiệu mở cửa 24/7. Không chỉ là nơi trưng bày hàng hóa, một số cửa hàng tiện lợi còn có không gian cho khách thưởng thức đồ ăn sẵn với thực đơn khá phong phú, Wi-Fi miễn phí.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Ông Hoàng Tùng, người sáng lập chuỗi Pizza Home và Coffee Bike, cho rằng với sự mở rộng của những thương hiệu đã có và xuất hiện thương hiệu mới sự cạnh tranh của những thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ sẽ ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, việc các thương hiệu lớn mở rộng liên tục cho thấy dư địa phát triển ngành bán lẻ còn rất lớn. Nhìn vào những quốc gia trong cùng khu vực, mật độ các cửa hàng tiện lợi với mô hình giống như 7-Eleven hay VinMart+ hoặc Miniso là rất lớn.

Theo ông Tùng, tại Việt Nam, khi tuyến tàu điện ngầm được triển khai và các khu đô thị ngày càng được quy hoạch nhiều hơn tại các thành phố lớn, hiệu ứng của các cửa hàng tiện lợi đi theo sẽ rất mạnh mẽ. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó được ví như xương sống của nền kinh tế, là mạch máu truyền dẫn sản phẩm của nhà sản xuất đến khách hàng. Nắm được kênh bán lẻ sẽ khiến nhà bán lẻ có quyền lực nhiều hơn trong việc lựa chọn sản phẩm và thương hiệu nào để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Nói về việc nhiều thương hiệu đang cố gắng mở rộng chuỗi bán lẻ mặc dù lỗ, ông Tùng cho rằng mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ bung mạnh khi thương hiệu đạt đến một số lượng cửa hàng nhất định. Đó là lý do một số thương hiệu vẫn chịu lỗ để đạt độ phủ thị trường, cũng giống như thị trường fast food trước đây. Bởi muốn phát triển nhanh, bao vây thị trường nhanh, doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi bằng việc chi tiêu nhiều và đôi khi sức mua chưa đáp ứng đủ so với sức cung của các cửa hàng. Khi thị trường chấp nhận, lúc đó thương hiệu nào có hệ thống rộng mở nhất, có thương hiệu mạnh nhất sẽ thắng.

Nhận định về cán cân doanh nghiệp trong nước-doanh nghiệp nước ngoài ở mảng cửa hàng tiện lợi, ông Tùng cho rằng chưa hẳn đã nghiêng về bên nào. Người tiêu dùng sẽ có lợi, bởi khi có thêm những nhà bán lẻ uy tín đồng nghĩa với việc sẽ có thêm những lựa chọn chất lượng cho chính mình. Theo ông Tùng, nếu như những thương hiệu quốc tế có kinh nghiệm quản trị thì những thương hiệu trong nước cũng có những lợi thế khi am hiểu khách hàng của mình.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá cao do tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, kinh tế tăng trưởng trên mức trung bình trong khu vực, tốc độ đô thị hóa được đẩy mạnh. Có những dự báo khác nhau về tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng nhìn chung đều dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể đạt 18-20%/năm.

Theo ông Doanh, do dân số nông thôn vẫn còn đông, chiếm khoảng 65% dân số, nên vai trò của khoảng 8.600 chợ truyền thống và khoảng một triệu cửa hàng bán lẻ vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng doanh số bán lẻ của xã hội. Ở đô thị, số các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lên nhanh chóng, trong đó siêu thị của các nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 52% tổng doanh số bán lẻ của các siêu thị, vượt lên tỷ trọng của các siêu thị trong nước. Đây là một thách thức lớn, có thể đe dọa đến công nghiệp và nông nghiệp trong nước nếu hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường và hàng hóa trong nước bị các siêu thị nước ngoài cản trở.

Theo ông Doanh, việc phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi, đặc biệt là cửa hàng của các doanh nghiệp trong nước gắn liền với các khu dân cư, có thể là một giải pháp thích hợp đối với thói quen tiêu dùng truyền thống và thói quen đi chợ của các bà nội trợ hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Bà đỡ’ của du lịch Cồn Sơn

0
(SGTT) – Không bảng hiệu rình rang, không quảng bá rầm rộ, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vẫn đều...

Về Bình Phước khám phá hồ thủy điện Thác Mơ

0
(SGTT) - Hồ thủy điện Thác Mơ là hồ nước nhân tạo nằm dưới chân núi Bà Rá – ngọn núi cao nhất tỉnh...

Vị trí ba cây cầu nối Đồng Nai và TPHCM

0
(SGTT) - UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng ba cây cầu lớn nối liền...

Chùa Tam Chúc miễn phí thuyền, xe điện phục vụ chiêm...

0
(SGTT) - Từ ngày 17-5 đến 20-5, du khách và phật tử đến chùa Tam Chúc, tình Hà Nam sẽ được miễn phí vé...

TPHCM thêm trang web đăng ký tuyển sinh đầu cấp

0
(SGTT) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, phụ huynh học sinh có thể sử dụng thêm địa chỉ trang web là...

Xăng dầu cùng tăng giá

0
(SGTT) - Từ 3 giờ chiều nay (15-5), Liên bộ Công Thương - Tài chính đã tăng giá bán lẻ với các mặt hàng...

Kết nối