(SGTT) – Được ví như “quốc hồn quốc túy” của người dân miền Tây sông nước, cá lóc đồng nướng trui là món ăn có cách làm và thưởng thức rất mộc mạc, chất phác như chính con người nơi đây.
- Bản đồ ẩm thực: Ghé Ninh Bình, không thể bỏ qua đặc sản dê núi
- Bản đồ ẩm thực: Mát lòng ba món ăn từ cá ồ ở xứ Nẫu
- Bản đồ ẩm thực: Gỏi cá nhệch Nga Sơn, Thanh Hóa
Theo đó, dù cá lóc đồng nướng trui mọi người có thể thưởng thức ở bất kỳ tỉnh, thành nào ở miền Tây nhưng khi đến Hậu Giang, nó lại là món ăn nổi tiếng không chỉ trong địa phương mà còn vinh dự có mặt trong danh sách 100 món ăn đặc sản vùng miền năm 2020.
Bỏ qua câu chuyện địa phương thì cái chất riêng và cũng là linh hồn của món ăn này phải kể đến là cá lóc đồng. Hỏi thăm anh bạn đầu bếp người gốc miền Tây, vì sao phải là cá lóc đồng chứ không phải cá nuôi thì người viết mới tường tận. Thịt cá lóc đồng có mùi thơm phảng phất hương lúa lại có vị ngọt, không tanh như cá lóc nuôi chỉ ăn toàn cám, nên được ưa chuộng hơn.
Nếu muốn một lần được mục sở thị cá lóc đồng và thử câu chúng thì du khách có thể ghé Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành miền Tây khác vào mùa nước nổi, từ khoảng tháng Sáu Âm lịch cho đến Tết. Bởi lúc này ruộng sau thu hoạch lúa cần tích nước cho gốc rạ mục, cũng là thời điểm cá lóc đồng có nhiều hơn.
Như đã nói ở trên, cá lóc nướng trui có cách chế biến cũng như thưởng thức rất mộc mạc. Cụ thể, cá lóc đồng đang còn sống, tươi roi rói không cần sơ chế, làm sạch hay tẩm ướp gia vị gì. Sau khi kiếm được những thanh xiên bằng tre hay trúc thì người ta cứ thế mà xiên vào miệng cá, dọc theo thân xuống tận đuôi rồi cắm mạnh xuống đất với phần đầu cá hướng xuống.
Lúc này, chỉ việc ủ rơm hoặc củi khô phủ quanh cá và nhóm lửa. Nói thì dễ chứ người không có kinh nghiệm ủ rơm, không canh được mức lửa thì dễ gặp chuyện thịt cá bị khét hay còn sống. Ngoài ra, chính nhờ lớp vảy cá giữ lại do không cần sơ chế cá mà lúc này lại phát huy công dụng là giúp thịt cá còn nguyên vẹn, không bị bở thành từng miếng.
Sau khi đánh sạch vảy cá, phần tro rơm thì cho cá lên đĩa và dọn cùng các thức ăn kèm. Tùy văn hóa vùng miền mà thức ăn kèm có thể là bún, bánh tráng, rau sống, dưa leo, xoài chua cùng chén nước chấm mắm tỏi hoặc mắm me. Có dịp trải nghiệm món ăn trong một lần về Hậu Giang cách đây vài năm, dù không thích ăn cá nhưng người viết cứ mãi tấm tắc khen bởi thịt cá rất ngọt, không hề bị tanh. Rồi cảm giác đầu lưỡi hòa quyện thêm vị thanh mát của rau, chút vị chua của xoài, mằn mặn của nước chấm thì thật sự khó quên.
Có dịp ghé thăm Hậu Giang, đây là món ăn mà du khách nhất định phải thử qua để từ đó thêm vào bộ sưu tập món ăn vùng miền của mình một món ăn giản dị miệt miền Tây sông nước.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Huỳnh Diễm