(SGTT) – Nằm khép mình dưới chân đèo Hải Vân, Nam Ô là một làng chài ven biển có nghề sản xuất nước mắm. Nơi đây cũng có món gỏi cá Nam Ô nổi tiếng không chỉ trong làng chài mà nó còn là đặc sản, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
- Bản đồ ẩm thực: Đong đầy xúc cảm vị giác cùng đọt mây Bình Phước
- Bản đồ ẩm thực: “Bánh kẹp” – Khúc biến tấu lạ từ bánh bột lọc ở Bảo Lộc
- Bản đồ ẩm thực: Độc đáo thịt hun khói kiểu người Tây Nguyên
Gỏi cá thì nơi đâu cũng có nhưng gỏi cá Nam Ô lại có hương vị rất đặc trưng nên những ai đã thưởng thức qua rồi cứ mãi còn lưu luyến. Nhiều tín đồ ẩm thực Nhật Bản còn gọi vui rằng đây là món sashimi (*) của Việt Nam mà mọi người nên tìm thử.
Điều này cũng có phần đúng bởi gỏi cá Nam Ô dùng hoàn toàn cá tươi vừa mới đánh bắt. Thế nên, điều tiên quyết khi làm gỏi cá Nam Ô là không dùng cá để lâu bởi có thể ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng món ăn.
Ngoài cá trích là phổ biến thì người dân nơi đây còn thay thế bằng cá cơm hay cá mòi tùy theo mùa đánh bắt. Sau khi sơ chế sạch bằng cách loại bỏ đầu, ruột và các bộ phận dư thừa thì dùng ít muối, giấm rửa dưới nước lọc liên tục đến khi hết hẳn mùi tanh của cá. Cá tiếp tục được lau sạch, lọc lấy phần thịt ở lưng và cắt theo từng lát mỏng.
Tiếp đến, ướp cá với hỗn hợp gia vi gồm gừng, riêng, tỏi bằm nhuyễn cùng ít nước mắm, chanh và giấm. Sau khoảng 30 phút đến 1 giờ, khi thấy thịt cá săn lại, thấm gia vị thì vớt ra và bóp cho thật khô. Cách chế biến của gỏi cá Nam Ô cũng chia thành hai trường phái: gỏi cá ướt và gỏi cá khô.
Nếu như phiên bản gỏi cá ướt chỉ cần thêm một lần hỗn hợp nước dùng pha bằng chanh, tỏi ớt, gừng, giấm thì phiên bản cá khô kỳ công hơn. Cụ thể, thay vì dùng gia vị thì phiên bản này chỉ dùng thêm bánh tráng, đậu phộng, mè giã nhuyễn áo đều lớp thịt cá. Qua đó, tạo sự dễ chịu hơn cho những ai lần đầu dùng qua gỏi cá Nam Ô.
Ngoài điểm nhấn thịt cá tươi ngon, ướp gia vị đặc trưng thì phần rau sống là yếu tố quyết định nên thương hiệu gỏi cá Nam Ô. Cụ thể, rau ăn kèm ngoài những loại phổ biến như ngò gai, đinh lăng, tía tô, xà lách hay chuối chát thì cần có những loại rau được hái từ vùng rừng núi Hải Vân như lá trâm, lá xuân, kim lam… Có như thế, gỏi cá Nam Ô mới thật sự khác biệt so với các loại gỏi cá khác.
Trong chuyến hành trình rong ruổi Đà Nẵng, du khách có thể thử qua gỏi cá Nam Ô tại những hàng quán nằm dọc hai bên đường quốc lộ 1A (đoạn từ Huế vào Đà Nẵng). Qua đó, sẽ sưu tập thêm một món ăn độc đáo của Đà Nẵng vào “bản đồ ẩm thực” của riêng mình.
(*) Sashimi cách gọi của những món ăn làm từ hải sản tươi sống. Người Nhật quan niệm, sashimi là món ăn trang trọng dùng để thiết đãi khách quý.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Tiên Sa