(SGTT) - Dễ nhầm với gỏi cuốn Sài Gòn về mặt hình thức nhưng chính sự dân dã của bánh cuốn Tây Sơn khiến người ta nghĩ ngay đến người dân đất võ Bình Định hào sảng, mộc mạc. Từ vỏ bánh đến nhân dùng kèm nước chấm đậu phộng đã tạo nên nét riêng biệt khó lẫn của món ăn dân dã này.
- Bản đồ ẩm thực: Bánh căn dưới con mắt người đam mê dịch chuyển
- Bản đồ ẩm thực: Dân dã bánh bèo đất võ Bình Định
- Bản đồ ẩm thực: Về sông Ngân Sơn ăn cá mương nướng mộc
Về nguồn gốc, khó ai nhớ chính xác bánh cuốn Tây Sơn có từ khi nào, chỉ biết đặc sản bắt nguồn ở huyện Tây Sơn, quê hương của vua Quang Trung. Được xem là lương khô của nghĩa quân Tây Sơn khi hành quân đường dài nên bánh làm lớn hơn bình thường để mang theo nhiều và các binh sĩ đủ no. Cùng với bề dài lịch sử, độ ngon mà bánh cuốn Tây Sơn theo chân những người con Bình Định đến sinh sống rồi chọn mở quán ăn vùng miền ở những thành phố lớn trên cả nước.
Qua tìm hiểu, tại TPHCM có một quán ăn chuyên bán đặc sản Bình Định (trong đó có bánh cuốn Tây Sơn) mà chủ quán tâm huyết từ món ăn cho đến cách trang trí. Theo đó, bánh cuốn Tây Sơn muốn ngon, bắt mắt thì khâu chọn nguyên liệu và chế biến là hai yếu tố rất quan trọng. Cụ thể, thịt heo thường chọn phần ba chỉ hoặc nạc vai, đem ướp gia vị rồi nướng. Một số nguyên liệu còn lại như trứng vịt, chả cả hấp, chả cá chiên hay rau cũng phải chọn mua hàng chất lượng.
Những thực khách sành ăn thường nói vui về món này là “hai sống một chín” và “đủ mùi vị trên đời” bởi có nơi cuốn lớp vỏ bánh bằng hai cái bánh tráng nhúng nước và một bánh tráng nướng để bánh có độ chắc chắn. Phần nhân khiến thực khách nao lòng nhất có lẽ là nem chua, nem nướng, chả cá chiên, chả cá hấp cùng với thịt lụi cuốn lá lốt, chả ram giòn tan mang phong vị đất võ. Linh hồn của cuốn Tây Sơn là nước chấm làm bằng đậu phộng rang vàng, nêm nếm theo bí quyết riêng của quán ăn kèm dưa leo, rau thơm.
Sự kỳ công về nguyên liệu và cách chế biến thôi thì chưa đủ nói lên độ ngon của bánh cuốn Tây Sơn mà nó còn phụ thuộc vào cách thưởng thức. Theo đó, cách ăn cuốn chuẩn vị là "tả - hữu - tề", nói vui là cắn bên trái cuốn một miếng, tiếp đến bên phải một miếng rồi cuối cùng là cắn miếng chính giữa cho cân bằng. So với gỏi cuốn Sài Gòn thì bánh cuốn Tây Sơn có độ lớn gấp đôi nên ai sức ăn khỏe thì khoảng 2 cuốn là đã no bụng.
Trong kho tàng văn hóa ẩm thực vùng miền Bình Định, bánh cuốn Tây Sơn dung dị cả về cách xuất hiện và độ thơm ngon. Tin chắc rằng, những ai từng thưởng thức qua một lần món bánh cuốn độc đáo này sẽ cảm nhận tâm tình mà người dân đất võ gửi gắm.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Song Hậu