(SGTT) – Là hải sản có nhiều ở vùng Nam Bộ, thế nhưng ba khía Rạch Gốc của đất mũi Cà Mau lại được đánh giá ngon hơn bởi chúng sinh trưởng trong điều kiện sống lý tưởng.
- Bản đồ ẩm thực: Tôm khô Cà Mau, món quà quê nơi đất mũi
- Bản đồ ẩm thực: Nồng nàn vị biển vùng đất mũi với cua biển Cà Mau
Theo trang web dulichcamau, ba khía là loài hải sản sản có ngoại hình tương tự con cua, sống ở các bãi bồi nước lợ, dưới những tán đước, mắm rậm rạp. Tuy nhiên, ba khía ở vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thuộc tỉnh Cà Mau có chất lượng thịt ngon hơn ba khía nơi khác. Điều này cũng phần nào dễ hiểu bởi chúng được ăn trái mắm đen – đặc trưng của vùng đất mũi – rụng xuống nên thịt cũng thơm, chắc và nhiều gạch hơn.
Thông thường, mùa thu hoạch ba khía ở Rạch Gốc rộ lên là khi đến mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 11 Âm lịch hằng năm). Lúc này, người dân sẽ lên ghe và xuôi đến những nơi mà ba khía sinh sống để thu hoạch. Nói qua thì đơn giản chứ để có được dăm ba ký ba khía mang về nhà thưởng thức thì cũng lắm nhiêu khê. Nào là tìm đúng nơi chúng cư trú, tìm cách dụ ra khỏi hang và cũng thật khéo léo tóm gọn chúng mà không để xảy ra sự cố nào.
Ngoài mắm ba khía nổi tiếng khắp nơi thì ba khía còn được chế biến thành những món ăn hấp dẫn khác như hấp sả, chiên giòn, rang muối hột, rang me… Trong đó, ba khía hấp sả luôn được chào đón bởi cách chế biến đơn giản, những ai không quen ăn mắm hay đồ sống vẫn có thể tự tin thưởng thức.
Theo đó, khi “thèm” ba khía chỉ cần rửa chúng qua với nước sạch để loại bỏ bùn, nhớt rồi cho vào nồi hấp cùng ít sả. Khi thịt chín, thì lột bỏ vỏ và chấm cùng nước chấm. Sở dĩ, người viết dùng từ lột là bởi vì nhìn lớp vỏ chúng có vẻ cứng cáp chứ thật ra rất mỏng manh, chỉ việc dùng tay ấn mạnh vào là lớp bỏ tự vỡ ra.
Được biết, nghề làm mắm ba khía ở Rạch Gốc đã có từ hơn 60 năm trước, là kế sinh nhai của nhiều hộ nơi đây và nghề muối ba khía của huyện Ngọc Hiển vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020.
Có thể nói, ba khía Rạch Gốc ngày nay đã trở thành sản vật nổi tiếng và là niềm tự hào của người dân Cà Mau. Chứa đựng trong nó là sự hội tụ hết những tinh hoa về con người, đất trời của vùng đất tận cùng tổ quốc.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An – Phi Linh