Thứ bảy, Tháng tư 5, 2025

Bali tái mở cửa nhưng vẫn vắng bóng khách nước ngoài

Với những bãi biển xinh đẹp, thời tiết mát mẻ và ẩm thực đặc sắc, đảo Bali của Indonesia từ lâu được ca ngợi thiên đường nghỉ dưỡng, thu hút du khách từ mọi nơi trên thế giới. Nhưng kể từ khi tái bùng phát đại dịch Covid-19, ngành du lịch của hòn đảo này gần như tê liệt và chỉ đón vỏn vẹn 45 du khách nước ngoài trong năm nay so với con số 6,5 triệu vào năm 2019 và 1,05 triệu trong năm 2020.
Du khách nước ngoài vẫn vắng bóng trên các bãi biển ở đảo Bali. Các doanh nghiệp du lịch địa phương đang cầm cự dựa vào nguồn khách nội địa Ảnh: Bloomberg

Wayan Sentiani, 36 tuổi, buôn bán áo phông và khăn xà rông ở bãi biển Kuta, trên đảo Bali, kiếm được thu nhập chỉ bằng một phần mười so với trước đây. Trong khoảng 10 năm trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, cô kiếm được 2 triệu rupiah (140 đô la Mỹ) mỗi ngày từ những du khách mua sắm người nước ngoài, chủ yếu là người Úc, Trung Quốc và châu Âu.

“Hôm qua, tôi mở cửa hàng từ 7:00 sáng đến 7:00 tối nhưng chỉ bán một món hàng trị giá 75.000 rupiah (5,2 đô la). Hầu hết mọi ngày của chúng tôi ở đây đều ế ẩm như vậy. Tôi thực sự hy vọng du khách nước ngoài sớm quay trở lại”, Sentiani nói.

Đã hai tháng kể từ khi tái mở cửa để đón du khách quốc tế, Bali dường như vẫn còn lâu mới quay trở lại những ngày khách sạn kín phòng, nhà hàng kín khách và những bãi biển đông đúc. Trong tháng 10, chỉ có 2 du khách nước ngoài đến Bali, so với con số nửa triệu của cùng tháng năm 2019 và cũng không có một chuyến bay quốc tế trực tiếp nào hạ cánh xuống Bali.

Niềm hy vọng về sự trở lại của du khách nước ngoài đang bị xói mòn bởi các biện pháp cách ly kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của chính quyền Bali và mối lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới. Kỳ nghỉ lễ cuối năm này sẽ là một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với Bali khi chính quyền có thể giảm bớt các biện pháp hạn chế đi lại hơn nữa để giúp ngành du lịch phục hồi nhanh hơn nếu như dịch bệnh được kiểm soát.

I Gusti Agung Ngurah Rai Suryawijaya, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn Indonesia, cho biết “Chúng tôi giống như đi thuyền giữa hai rạn san hô cần phải được bảo vệ sức khỏe và kinh tế”.

Đến thăm Bali khó hơn các điểm du lịch biển khác trong khu vực. Du khách nước ngoài phải nộp đơn xin thị thực có người bảo lãnh địa phương, có bảo hiểm y tế quốc tế và phải chịu cách ly ít nhất 10 ngày. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những nơi như Phuket của Thái Lan hay Phú Quốc của Việt Nam vốn đã cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ một số nước đến thăm mà không cần phải cách ly.

Indonesia có nhiều lý do để đề phòng với một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Nước này đã phải chật vật ứng phó đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất thế giới sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr truyền thống của người Hồi giáo vào giữa năm nay, khiến hơn 140.000 người tử vong.

Chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Indonesia cũng chậm so với các nước láng giềng với chưa đến 40% số dân được tiêm đầy đủ hai mũi, khiến họ dễ tổn thương hơn trước một đợt tái trỗi dậy khác của dịch bệnh Covid-19.

Nền kinh tế của Bali chịu tác động nặng nề của sự cẩn trọng đó khi GDP của tỉnh đảo này giảm 9,3% trong năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất trong số tất cả các tỉnh của Indonesia. GDP của Bali tiếp tục giảm thêm 3,4% trong 9 tháng đầu năm nay.

Đối với Công ty PT Bukit Uluwatu Villa, đang điều hành các khu nghỉ dưỡng sang trọng trên đảo Bali, điều đó có nghĩa các kế hoạch mở rộng kinh doanh bị gác lại cho đến khi có dấu hiệu phục hồi kinh tế rõ ràng.

Các khu nghỉ dưỡng thương hiệu Alila của công ty này, bao gồm một khu nằm trên vách đá nhìn ra Ấn Độ Dương và một khu khác được ở thị trấn Ubud thuộc Bali, chỉ đạt tỷ lệ lấp kín phòng khoảng 13% trong tháng 11, so với mức cao nhất lên đến 73% trong năm 2019.

Với tỷ lệ lấp kín phòng có thể chỉ tăng lên mức 30% trong năm tới, công ty này không có kế hoạch tuyển dụng nhân viên mới.

Các khách sạn và nhà hàng của Bali đang hy vọng sẽ thu hút du khách quốc tế nhiều hơn trong năm tới khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sẽ được tổ chức trên hòn đảo này. Giới chức trách đang quảng bá vẻ đẹp của đảo Bali và mời mọi ngươi đến tham dự những sự kiện bên lề diễn ra trước thềm hội nghị G20.

Lượng đặt phòng khách sạn trực tuyến báo hiệu những ngày tươi đẹp hơn ở phía trước của ngành du lịch Bali. Theo công ty nghiên cứu thị trường YipitData, trong tuần kết thúc vào ngày 5 -12, lượng đặt phòng trên đảo Bali thấp hơn 57% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cải thiện hơn so với tháng 8 khi lượng đặt phòng ít hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Con số đủ giúp Made Yogi Anantawijaya duy trì hoạt động kinh doanh chở khách của mình. Anh đã bỏ công việc ở Bộ Tài chính Indonesia cách đây 10 năm để bắt đầu công việc kinh doanh với người anh trai. Nhưng đại dịch buộc anh phải cơ cấu lại các khoản vay, cắt giảm nhân công và bán bớt một số xe buýt và ô tô để tiếp tục hoạt động. Giờ đây, lượng khách đặt thuê dịch vụ vận chuyển của anh bắt đầu tăng nhỏ giọt, chủ yếu từ du khách nội địa.

“Du khách nước ngoài vẫn là con số không. Khách địa phương mới là người giúp chúng tôi sống sót cho đến nay”, Made Yogi Anantawijaya nói.

Khánh Lan (Kinh tế Sài Gòn Online)

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Biến thể phụ XBB.1.5 mới xuất hiện ở TPHCM nguy hiểm...

0
Ngày 14-4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, thành phố đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu...

Dịch có xu hướng giảm, phòng chống Covid-19 có được điều...

0
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm 2023....

Thời đại số, doanh nghiệp vẫn xem tương tác trực tiếp...

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 khiến tuyển dụng và đào tạo bước đầu trực tuyến trở thành giải pháp hàng đầu. Sau dịch, các...

Các hãng bay toàn cầu đối mặt “núi” nợ hàng trăm...

0
Tác động vô hình của đại dịch sẽ đeo bám ngành hàng không trong nhiều năm tới. Các hãng bay lớn nhất thế giới...

Hơn 60,8 triệu lượt người Việt đi du lịch trong nửa...

0
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch nội địa đã không những hồi phục mà còn tăng trưởng cao...

Tồn đọng 22 triệu liều vắc-xin, Bộ Y tế yêu cầu...

0
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đến giữa tháng 6-2022 còn hơn 22,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 loại Moderna và Pfizer...

Kết nối