(SGTT) - Khi những cơn mưa đầu mùa thu mang đến cho xứ Huế sự mát mẻ, dễ chịu thì cũng là lúc trên những cánh rừng tràm bạt ngàn nơi đây mọc lên rất nhiều tai nấm tràm tròn trĩnh và béo múp. Lúc này, trên các nẻo đường xứ Huế đã thấy những đôi gánh cùng những chuyến xe chở nấm tràm về các chợ để bán.
- Cách làm bánh bột lọc trần "vị Huế" thân thương
- Về làng Chuồn ăn bánh khoái cá kình “rinh” luôn cô vợ
- Nhân dịp lễ hội, ghé Huế nhớ thưởng thức ẩm thực địa phương đặc sắc
Được biết, nấm tràm có nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Bên ngoài, nấm có màu nâu tím còn bên trong tai nấm thì có màu trắng mịn cùng vị ngọt, đắng đặc trưng. Hiện nấm có giá bán 40.000 - 60.000 đồng/kg. Nấm sau khi thu hái hay mua ở chợ đem gọt sạch loại bỏ tạp chất và lá mục bám ngoài tai nấm rồi cắt bỏ chân nấm. Sau đó, rửa sạch bằng nước muối và chần qua nước sôi để làm giảm bớt vị đắng của nấm. Đối với người dân xứ Huế, nấm tràm có thể đem xào thịt nạc, nấu canh rau khoai lang hay nấu cháo.
Nấm tràm xào thịt nạc
Thịt được chọn xào cùng nấm tràm là thịt thăn heo, lấy ở phần thịt vai. Đây là loại thịt ngon ngọt và cảm giác mềm giòn khi ăn. Thịt đem thái lát mỏng rồi ướp cùng gia vị là hạt tiêu giã nát, cùng vài củ hành tím và ít nước mắm nhĩ nguyên chất khoảng 10 phút để thịt thấm gia vị.
Sau đó, bắc chảo lên bếp đổ vài muỗng dầu phộng phi với củ nén hay tỏi cho thơm thì đổ thịt vào xào chín. Tiếp theo, cho nấm tràm đã sơ chế vào xào nhanh và nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Món ăn này ngon nhất là khi thưởng thức kèm cơm nóng sốt dẻo. Mùi thơm và vị ngọt đắng của nấm tràm hòa quyện cùng vị ngọt đậm đà của thịt nạc thăn sẽ làm người dùng cảm thấy thú vị.
Canh nấm tràm nấu với rau khoai lang
Rau khoai lang dùng để nấu với nấm tràm thường được chọn phần đọt. Đọt rau lang là phần chứa nhiều dinh dưỡng nhất lại có nhiều chất nhựa mà theo kinh nghiệm của người nội trợ thì chất nhựa của ngọn rau sẽ làm vị đắng của nấm tràm dịu đi. Nấu cùng canh rau lang và nấm tràm sẽ có thêm một ít tôm tươi. Nếu là tôm đất hay tôm rằn của vùng phá Tam Giang thì món canh lại càng hấp dẫn.
Cách chế biến món canh này cũng rất đơn giản: tôm sau khi được lột bỏ vỏ đem ướp gia vị và xào cùng nấm tràm cho thấm. Khi hỗn hợp đã chín thì thêm một lượng nước vừa đủ và nấu sôi. Bỏ rau lang vào đảo nhanh để rau chín mà vẫn giữ được màu xanh non. Nêm nếm gia vị là chút ruốc Huế cho đậm đà vừa miệng rồi tắt bếp. Món canh này thích hợp cho việc giải độc và giải rượu.
Cháo nấm tràm
Món cháo nấm tràm không những thơm ngon, đầy hương vị mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa một số bệnh như nhức đầu, cảm cúm. Cháo nấm tràm kết hợp cùng tôm tươi để tăng dinh dưỡng và sự thơm ngon, hấp dẫn.
Theo đó, tôm được lột bỏ vỏ ướp gia vị gồm nước mắm, hạt tiêu và hành tím rồi xào chín cùng nấm tràm. Gạo dùng để nấu cháo là gạo tám thơm dẻo để cháo nấm tràm có “độ rền” thơm ngon. Khi cháo chín và hạt gạo đã nở mềm thì cho hỗn hợp tôm nấm đã xào thấm vào. Đun thêm vài phút là thành phẩm đạt yêu cầu.
Thưởng thức cháo nấm tràm chắc chắn bạn sẽ thích thú bởi sự đặc trưng của nó. Đưa muỗng cháo nấm tràm vào miệng cảm giác đầu tiên là vị đắng dịu, nhưng chỉ vài giây sau khi nuốt thì một cảm giác ngọt lành dễ chịu lại tới. Rồi mùi thơm của gạo, của gia vị, vị ngọt đậm đà của tôm hòa quyện trong sự dẻo mềm của cháo làm thực khách cảm thấy lạ và sảng khoái.
Có thể nói, nấm tràm được xem là sản vật của đất cố đô Huế mà chỉ sau những cơn mưa mùa thu ban tặng cho. Nếu yêu thích nấu nướng, tin chắc rằng mọi người cũng có thể ứng dụng thực phẩm này để tạo nên những món ăn sáng tạo hơn.
Hòa Vang