Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Âu lo với triều cường năm nay

Chỉ mới vào đầu tháng 9 mà tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đã xuất hiện đỉnh triều cao, ngày 10 và 11-9 đỉnh triều lên mức 1,46 m, xấp xỉ mức báo động III. Đây là điều khá bất thường vì trong nhiều năm qua hầu hết đỉnh triều trong nửa đầu tháng 9 chỉ ở mức báo động I và dưới mức báo động II. Điều này cho thấy dấu hiệu triều cường sẽ còn cao hơn nữa, từ nay đến đầu năm 2015. Thông thường, triều cường dâng cao nhất là trong tháng 10, và trong các tháng 11, 12 cũng có lúc xuất hiện đỉnh triều lớn nhất năm.

Đỉnh triều mỗi năm mỗi cao hơn

Trong những năm gần đây, liên tiếp mực nước triều cường tại TPHCM ở mức cao, kết hợp với nhiều nguyên nhân khác như vấn đề bê tông hóa, sự phát triển đô thị, các khu dân cư, tình hình ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực xảy ra nhiều hơn, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân. Ngoài những nguyên nhân như đô thị hóa, xử lý thoát nước kém, thì tác động của sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt đối với vấn đề ngập lụt tại TPHCM.

Có thể thấy xu hướng mực nước đỉnh triều cường ngày càng dâng cao, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay, cứ năm sau lại có đỉnh triều cao hơn năm trước. Năm 2013, đỉnh triều là 1,68 m xảy ra vào lúc 18 giờ ngày 20-10.

 Cơn mưa lớn nhất trong năm vào chiều tối 6-9 gây ngập trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Cơn mưa lớn nhất trong năm vào chiều tối 6-9 gây ngập trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Mỗi tháng có hai đợt triều cường theo giữa và đầu các tháng Âm lịch, lại thêm năm nay là năm nhuận hai tháng 9 Âm lịch, như vậy từ nay đến Tết (tháng 2-2015) sẽ còn mười đợt triều cường. Và với xu hướng ngày càng cao, chắc hẳn sẽ có ít nhất 5-6 đợt triều cường cao vượt mức báo động III, tình trạng ngập úng khó tránh khỏi.

Trong tháng 10 sẽ có những ngày ở vùng ven biển có gió “chướng”, nước biển bị dồn vào làm cho mực nước lúc có triều cường cao thêm. Trong tháng 11 và tháng 12, những đợt gió mùa đông bắc mạnh trên các vùng biển phía Nam cũng sẽ tác động đẩy mực nước triều dâng cao, đồng thời mưa tại chỗ góp phần làm cho triều cường cao hơn nữa và thời gian ngập kéo dài lâu hơn.

Tình trạng ngập úng do triều cường ở TPHCM có khuynh hướng ngày càng cao, diện tích ngập úng ngày càng lớn vì đỉnh triều cao nhất của năm sau cứ hơn năm trước. Triều cường cao đột biến có thể xảy ra khi có sự kết hợp giữa gió mùa đông bắc mạnh, đồng thời trên biển Đông xuất hiện các cơn bão, áp thấp nhiệt đới.

Hiện nay bắt đầu cho đợt triều cường đầu tháng 9 Âm lịch. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trên hệ thống sông rạch TPHCM, đỉnh triều có khả năng dao động ở mức báo động II và III, tại trạm Phú An sẽ ở mức 1,42 m vào ngày 27-9. Còn trong tháng 10, tháng 11, có khả năng đỉnh triều vượt mức 1,6 m, xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh triều 1,68 m – mức lớn nhất của năm 2013.

Mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ)

bangdubao

Đề phòng rủi ro

Trong khi đó, Nam bộ và TPHCM đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, tập trung nhiều trong những ngày gần cuối tháng 9, tháng 10 và còn diễn biến phức tạp; các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng.

Điều đáng quan tâm là các bờ bao xung yếu như ở quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ... Những bờ bao này cần được tu sửa, chú ý thường xuyên, đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cường gây sạt lở, dẫn đến nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Về chiều tối, nếu mưa lớn trùng với lúc đỉnh triều cao, trời tối nhanh, tình trạng ách tắc giao thông có thể xảy ra. Nếu được thì nên dừng lại chờ bớt mưa, bớt ngập để bảo đảm an toàn, và tuyệt đối không cho trẻ em tắm mưa, lội nước. Ngay cả khi đang ở trong nhà có nước triều cường và mưa tràn vào gây ngập cũng rất nguy hiểm, chú ý ngắt điện để tránh tai nạn do điện giật.

Người dân TPHCM cứ đến những tháng gần cuối năm lại phải đối mặt với những hiện tượng mưa bão, ngập lụt. Đây cũng là lúc dễ bị dịch bệnh, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước..., cho nên cũng cần chú ý đến xử lý môi trường và nguồn nước khi có mưa, bão, lũ lụt xảy ra.

Lê Thị Xuân Lan

Chuyên gia dự báo khí tượng-thủy văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ có triều cường vượt báo động 3 vào cuối...

0
(SGTT) - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, cuối tuần này, tức trong khoảng từ ngày 16 đến 17-11,...

TPHCM chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc dự án...

0
(SGTT) - Văn phòng UBND TPHCM vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường về tháo gỡ...

Triều cường TPHCM sẽ vượt mức 1,7 m vào cuối tháng...

0
(SGTT) - Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, dự báo mực nước cao nhất trong những ngày...

Cảnh báo ngập ở TPHCM do triều cường lên cao

0
(SGTT) - Theo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong hai ngày 29 và 30-10, triều cường khu vực TPHCM dự...

Cần Thơ: dự báo đỉnh triều cường vượt mức 2,1m trong...

0
(SGTT) - Theo Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước trên các sông rạch của địa phương có thể vượt...

Nam Bộ sẽ có đợt triều cường cao, tăng nguy cơ...

0
Theo đại diện của phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn...

Kết nối