(SGTT) - Khi số người thích ăn chay và ăn chay thường xuyên ngày càng nhiều hơn, thị trường cung ứng đồ ăn chay càng thêm đa dạng và phong phú.
Gần làng Đại học quốc gia TPHCM, có quán lẩu chay Hoàng Lạc luôn đông thực khách bất kể đó là ngày thường, cuối tuần hay các ngày ăn chay vào rằm, đầu tháng âm lịch. Người chủ quán cho hay phần lớn thực khách của quán là các bạn trẻ, họ đến vì lẩu chay ngon, giá cả vừa phải, hợp với túi tiền. Chỉ 35.000 đồng là bạn đã có thể thưởng thức một nồi lẩu thơm ngon, tròn vị với bạn bè. Vào những ngày rằm, lượng khách đến quán càng đông hơn và nếu chậm chân sẽ không còn chỗ ngồi.
Ở đường Hồng Bàng, phường 1, quận 11, TPHCM còn có hẳn con phố ẩm thực chay với các món ăn đa dạng như hủ tiếu chay, bò kho chay, hủ tiếu xào chay, mì xào chay…
Vì sức khỏe và môi trường
Ở Việt Nam, việc ăn chay xuất phát từ tôn giáo và trước đây chỉ phổ biến ở những người theo đạo Phật. Hiện nay, nhiều người không phải là Phật tử, cũng không theo đạo Phật nhưng lại thường xuyên ăn chay. Những người này chọn ăn chay vì muốn bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường (không ăn thịt động vật). Nhiều bạn trẻ hiện tại cũng đã bắt đầu với xu hướng ăn chay bằng cách cắt dần khẩu phần thịt, cá ra khỏi bữa ăn hằng ngày, thay vào đó là các loại rau xanh, ngũ cốc. Tuy chưa có thống kê chính thức về số người ăn chay ở nước ta, nhưng việc các hàng quán chay mọc lên càng nhiều đã chứng tỏ nhu cầu ăn chay của người Việt Nam ngày càng tăng.
Hiện tại, thực phẩm chay khá đa dạng, có cả các loại thực phẩm chay được chế biến sẵn, khi sử dụng chỉ cần hấp, chiên, xào hoặc các loại thực phẩm chay đã chế biến, mua về là dùng ngay.
Nhu cầu về thực phẩm chay ngày càng gia tăng đã làm xuất hiện những khu chợ chuyên bán các mặt hàng, thực phẩm chay như gia vị, đồ chay đông lạnh, bánh kẹo. Tại một cửa hàng trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TPHCM có bán hơn 500 mặt hàng chay khác nhau, với nguồn gốc 100% organic (hữu cơ). Không chỉ vậy, cửa hàng này còn giúp hướng dẫn thực khách lên thực đơn cho bữa ăn hằng ngày.
Ngoài các loại thực phẩm chay trong nước, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ có bày bán các loại thực phẩm chay được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ... với đa dạng về chủng loại, như bánh, ngũ cốc, nước ép trái cây và được bán với giá trung bình 150.000 - 600.000 đồng/sản phẩm.
Sức khỏe và thực phẩm chay
Tuy nhiên, người ăn chay cũng cần am hiểu về sức khỏe bản thân, về chế độ ăn hiện tại và chế độ tập luyện, hoạt động, làm việc. Đặc biệt với những người có chế độ ăn chay thường xuyên rất cần chú ý đến khẩu phần ăn hằng ngày của mình.
Theo BS. Phạm Công Danh, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người ăn chay cần am hiểu về thực phẩm để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Việc ăn chay thường xuyên sẽ làm xáo trộn chế độ ăn bình thường nếu bạn chỉ sử dụng các thức ăn có nguồn gốc từ thực vật. Bữa ăn thường ngày của một người cần có khoảng 50% lượng đạm có nguồn gốc từ động vật và 50% từ thực vật. Trong số đó, có một số chất thiết yếu từ động vật mà cơ thể người không tự tổng hợp được thường phải lấy từ động vật để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Khi bắt đầu ăn chay, người ăn chay có thể đối mặt với các vấn đề như thiếu Iốt, thiếu sắt… dẫn đến hệ miễn dịch yếu, thiếu đạm nên vận động cơ, tay chân cũng không được khỏe mạnh. Do thiếu năng lượng nên người ăn chay lúc đầu sẽ thấy khá mệt mỏi và không đảm bảo được công việc, hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng.
Để cải thiện tình trạng này, người ăn chay thường xuyên có thể sử dụng sữa tươi, mè để bổ sung canxi cho cơ thể. Những thực phẩm giàu đạm như trứng, nấm rơm, đậu hũ, tảo biển cũng cần thiết cho cơ thể. Về mặt lượng, người ăn chay có thể ăn trứng cách ngày, mỗi ngày một trứng, vì ăn nhiều có thể dẫn đến rối loạn mỡ trong máu do trong trứng có nhiều cholesterol.
Nếu đối mặt với nguy cơ thiếu máu, người ăn chay nên sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt kèm theo để bổ sung mỗi tháng một viên sắt đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, để sắt hấp thụ tốt hơn thì người ăn chay cũng nên dùng thêm các thực phẩm chứa nhiều vitamin C.
Huỳnh Nhi