(SGTT) – “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện nhưng ít ai biết rằng đây là dự án đã phát hành tín chỉ carbon từ khá sớm ở Việt Nam và đã phát hành hơn 3 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.
- Đã đến lúc tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero
- Điện gió ở Bạc Liêu bán gần 1 triệu tín chỉ carbon, thu gần 1,8 triệu euro
- Việt Nam nhận khoản chi trả 51,5 triệu đô la từ bán tín chỉ carbon
Theo mô tả để chứng nhận phát hành tín chỉ carbon thì mục tiêu chung của dự án là khai thác hiệu quả công nghệ khí sinh học và phát triển ngành khí sinh học thương mại tại Việt Nam; đóng góp vào phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho các hộ gia đình nông thôn, cải thiện vệ sinh cộng đồng và sức khỏe của người dân nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm phát thải khí nhà kính.

Nói nôm na dễ hiểu là dự án này hỗ trợ các trang trại chăn nuôi làm bể khí biogas, thu hồi khí mê tan trong quá trình xử lý phân trong chăn nuôi heo, để phát điện, đun nấu, thay cho dùng điện lưới, củi, than.
Dự án thực hiện từ năm 2010 đến 2016 với hơn 3 triệu tín chỉ carbon đã phát hành ra thị trường từ năm 2013 đến 2020 theo Tiêu chuẩn vàng (GS- Gold Standard, một tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ).
Theo Tổ chức chứng nhận GS, tính đến nay cả nước có 72 dự án đã và đang phát hành tín chỉ carbon được chứng nhận theo GS, với lượng tín chỉ carbon đã, đang lên kế hoạch niêm yết và dự kiến phát hành hàng năm của GS là hơn 8,3 triệu tín chỉ carbon.
Trong đó có 37 dự án trong tổng số 72 dự án đã được GS chứng nhận, các dự án còn lại đang trong giai đoạn lên kế hoạch niêm yết và chờ chứng nhận.
Trong 72 dự án nói trên thì phần lớn là các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí sinh học của ngành chăn nuôi, xử lý nước thải. Rất bất ngờ khi dự án tham gia sớm và có lượng tín chỉ carbon lớn lại của ngành nông nghiệp. Đó là dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” như đã nói ở phần đầu bài viết.
Hiện nay, theo tính toán của các cơ quan nghiên cứu thì ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra khí quyển 15 triệu tấn carbon tương đương (CO2e) mỗi năm, nên thu hút không ít dự án thu hồi khí mê tan để bán tín chỉ carbon. Điển hình như hiện nay đang có chương trình Biogas cho ngành chăn nuôi carbon thấp tại Việt Nam đã được GS chứng nhận phát hành từ đầu năm 2021 với dự kiến 100.000 tín chỉ carbon mỗi năm, hiện đã phát hành được 65.000 tín chỉ carbon. Ngoài ra, có ít nhất 2 dự án khác dự kiến thu hồi khí mê tan thông qua xử lý chất thải chăn nuôi có tên “Năng lượng sinh học cho nông nghiệp tuần hoàn” và dùng khí mê tan để phát điện đang trong giai đoạn đánh giá của GS.
Còn hiện nay, dự án có lượng tín chỉ carbon dự kiến phát hành hàng năm lớn nhất thuộc về dự án điện gió Ea Nam hiện được cho là có công suất lắp đặt 400 MW, lớn nhất Việt Nam ở huyện Ea H’leo, Dak Lak. Gold Standard đã chứng nhận tín chỉ carbon của dự án Ea Nam dự kiến phát hành hàng năm 933.000 tín chỉ carbon từ năm 2022 đến năm 2027 và năm nay, dự án này đã phát hành được gần 700.000 tín chỉ carbon.

Cảm ơn thông tin hay nhưng còn 1 vế quan trọng nữa là giá bán bao nhiêu, bán cách nào?