Thị trường du lịch nội địa bắt đầu chuyển động sau thời gian dài im ắng do đợt bùng phát dịch lần hai hồi cuối tháng Bảy rồi. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn ở tình trạng e dè, nhìn đơn đặt hàng để đặt dịch vụ, ít có nơi dám mạnh tay mua dịch vụ sỉ sớm như trước kia.
Thận trọng khởi động
Khác với tâm trạng đầy tự tin ở thời điểm trước đợt dịch thứ hai, giới kinh doanh du lịch khá thận trọng khi nhận định về thị trường nội địa trong thời gian tới. Dù đã bắt đầu có khách trở lại nhưng kinh nghiệm về việc dịch có thể bùng phát đột ngột, sự lo ngại về sức mua bị ảnh hưởng do khách hàng cắt giảm chi tiêu và cả tình trạng khó khăn về tài chính khiến phần lớn công ty lữ hành không dám đặt dịch vụ nhiều và đặt trước sớm như trước đây.
"Đáng lẽ giờ này chúng tôi đã xong việc đặt cọc vé máy bay và khách sạn cho mùa tết nhưng vẫn chưa dám làm gì", tổng giám đốc một công ty lữ hành ở quận 1 nói.
Theo đó, tình hình tài chính cạn kiệt sau một thời gian dài suy giảm khách đã khiến nhiều công ty không thể hoặc không dám bỏ tiền để đặt dịch vụ sớm dù đối tác hàng không, khách sạn đang rất sốt ruột.
"Nếu muốn đặt sớm thì công ty vừa vừa cũng phải chi vài tỉ đồng, thậm chí những công ty có quy mô lớn phải bỏ đến vài chục tỉ, giờ này không ai dám mạnh tay như thế", ông nói tiếp.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour cũng có nhận xét tương tự. Doanh nhân này cho biết, công ty đã bắt đầu có khách trở lại từ giữa tháng Chín này nhưng chưa dám nhận định là thị trường sẽ tăng trưởng ra sao nên việc chuẩn bị dịch vụ cho thời gian tới, đặc biệt là cho mùa du lịch lớn là Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán sắp tới vẫn cầm chừng.
"Chúng tôi đã có khách trở lại và cũng chuẩn bị một số dịch vụ cho mùa Tết nhưng không dám đặt nhiều. Thị trường chỉ mới vừa khởi động", ông nói.
Một số doanh nhân khác cũng cho rằng, dù rất muốn chủ động dịch vụ để có giá tốt để thu hút khách nội địa, lượng khách quan trọng bậc nhất trong thời điểm này nhưng hiện các công ty vẫn đang "nhìn nhau" và nhìn số lượng đặt chỗ để quyết định có xuống tiền để đặt dịch vụ hay không. Tình trạng này sẽ chỉ thay đổi nếu như đến hết tháng Chín này mà tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt như hiện tại.
Mấu chốt vẫn là an toàn
Ngày 18-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020. Trong đó, tập trung vào việc kích cầu theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, nhắm đến khách trong nước và người nước ngoài tại Việt Nam, thành lập các liên minh kích cầu để thu hút khách, tạo nên sản phẩm có giá tốt, áp dụng tốt các biện pháp an toàn phòng dịch và đẩy mạnh truyền thông về an toàn.
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân cho rằng, sau đợt bùng phát dịch lần hai, yếu tố an toàn lại càng trở nên quan trọng trong việc thu hút khách đi du lịch trở lại. Do đó, việc cơ quan quản lý tập trung vào việc đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn trong đợt kích cầu này và thực hiện bản đồ số về các vùng có dịch, vùng an toàn là điều cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường nội địa.
"Du khách sẽ đi du lịch trở lại nếu dịch bệnh được kiểm soát tích cực, các điểm đến an toàn", ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói và cho rằng việc đẩy mạnh truyền thông về điểm đến an toàn sẽ giúp thị trường tăng trưởng lạc quan hơn.
Trả lời câu hỏi về thị trường nào sẽ có cơ hội phục hồi sau đợt bùng phát dịch lần hai, doanh nhân này cho rằng, hiện tại thì có thể nói mảng khách doanh nghiệp đang có nhiều hứa hẹn.
Tại Saigontourist, với phân khúc này, không chỉ có khách hàng cũ giữ hợp đồng mà còn có thêm khách hàng mới là các công ty, xí nghiệp đặt tour cho cán bộ công nhân viên đi du lịch trong thời gian tới.
Một số doanh nghiệp khai thác dịch vụ tàu du lịch và lưu trú lại đánh giá tích cực về phân khúc khách lẻ và tự đi du lịch, như ở Luxury Travel Group, nhờ lượng khách này mà tàu du lịch ở Hạ Long và Cát Bà đã kín khách trong cuối tuần rồi.
Xây dựng bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toànBộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.Trong đó, cùng với các giải pháp về tài chính, thuế, phí... cơ quan này đề xuất sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, tạo bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn.Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, bản đồ số này sẽ giúp doanh nghiệp hàng không và du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay, phục vụ khách. Khách du lịch cũng sẽ thuận tiện chọn điểm đến.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online