(SGTTO) – Một tháng trước, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm các quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244 Bộ luật Hình sự đối với ông Lê Xuân B., do ông này bị bắt quả tang khi đang dùng xe máy vận chuyển 2 con rắn hổ mang chúa nặng gần 3,5 kg mang đi bán.

Còn một hơn năm trước, ông Nguyễn Văn Hợp ở ngoại thành Hà Nội mặc dù có phép nuôi rắn hổ mang thường của cơ quan kiểm lâm nhưng ông lại tìm cách mua và nuôi hổ mang chúa vì biết là quý hiếm, bán được giá cao. Ông Hợp bị Tòa án Hà Nội xử phúc thẩm tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm theo điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.

Hai năm trước ông Hợp mua 50 con rắn hổ mang chúa hết 50 triệu đồng về nuôi nhưng bị chết một ít, còn 39 con. Bắt mối qua một người ở Quảng Ninh, Hợp tìm cách bán rắn hổ mang chúa với giá 700.000 đồng một kg cho người nước ngoài. 39 con rắn hổ mang chúa đã được Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trả về với tự nhiên nên ông được hưởng tiết giảm nhẹ là phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại.

Còn hiện nay, một người đàn ông 38 tuổi trú ở Tây Ninh trong quá trình làm ruộng vườn đã tìm cách bắt con rắn hổ mang chúa loại lớn, dài vài mét. Theo lời báo chí thuật lại mấy ngày qua thì người này cố bắt con rắn với hy vọng "bán có tiền đóng học phí cho con” và bản thân ông và vợ làm thuê mướn, gia cảnh khó khăn. Không may cho ông, con rắn, theo phản xạ của động vậy hoang dã là tự vệ, đã cắn ông và kết cục là hiện nay ông đang nằm trong bệnh viện trong tình huống bệnh khá nặng.

Cộng đồng mạng đã sôi sục, mô tả chi tiết 1 tuần qua, từ hình ảnh ông mang con rắn đang quấn trong tay tới bệnh viện, mà còn hỏi cặn kẽ tới vợ, anh trai, người lái xe taxi chở ông ta vào bệnh viện. Hàng chục trang tin, hàng trăm Youtuber không bỏ lỡ cơ hội khai thác đủ khía cạnh về đời sống của ông và gia đình, đặc biệt là về tình thương, từ thiện, nhân ái và chỉ trong vài ngày qua, cộng đồng mạng và trên báo loan thông tin gia đình ông đã nhận được số tiền gần 200 triệu đồng.

Một nhà sinh vật rừng trên trang cá nhân đã thốt lên: “Nếu cứ lên đồng như thế này, chẳng mấy mà người dân sẽ rủ nhau đi săn bắt động vật quý hiếm như bò tót, voi, rắn hổ mang chúa... bất chấp pháp luật. Nếu lỡ bị tấn công, bị phương hại đến tính mạng thì chỉ cần vợ kêu, con khóc, than nghèo khổ sẽ có rất nhiều người giúp và trở nên giàu có”.

Chuyện một người đàn ông 38 tuổi sức dài vai rộng, ở nông thôn cùng vợ làm thuê mướn sinh sống là chuyện rất bình thường ở nông thôn hiện nay nhưng qua các cư dân mạng ở thị thành bơm thổi, trở thành trường hợp đáng thương cần cứu giúp. Nếu khó khăn kiểu này mà cần cộng đồng mạng cứu giúp để “có tiền đóng học phí cho con” thì có lẽ một nửa cư dân nông thôn cũng cần giúp đỡ.

Nhưng chuyện đáng nói hơn, rất nhiều người lập luận kiểu như săn bắt động vật hoang dã trong khu bảo tồn, vườn quốc gia hay trong rừng tự nhiên mới là phạm pháp, còn ở nông thôn, trong vườn nhà thì phải tìm cách bắt để tránh bị tấn công, như rắn chẳng hạn. Có người còn bảo "rắn hổ mang chúa trong vườn, trong trang trại của tôi là của tôi" mà quên rằng rắn hổ mang chúa là động vật hoang dã cấp quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ).

Vi phạm đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc xử lý hình sự lên tới 3 năm tù giam và thực tế có khá nhiều người đi tù chỉ vì bắt hay đem bán vài con rắn hổ mang chúa như đã viết ở phần đầu bài này.

Trường hợp rắn hổ mang chúa trực tiếp tấn công đe doạ đến tính mạng người dân ở đồng ruộng, trang trại, bìa rừng thì người dân phải có biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, theo quy định của luật pháp  thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh xem xét, quyết định cho phép được bẫy, bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng người dân.Đối với những động vật đặc biệt quý hiếm như Voi (Elephas maximus), Tê giác (Rhinoceros sondaicus), Hổ (Panthera tigris), Báo hoa mai (Panthera pardus), Báo gấm (Neofelis nebulosa), Gấu (Ursus (Helarctos) malayanus; Ursus (Selenarctos) thibetanus), Bò Tót (Bos gaurus), Bò xám (Bos sauveli), Bò rừng (Bos javanicus), Trâu rừng (Bubalus arnee), thì người dân phải báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét; nếu không còn khả năng áp dụng được những biện pháp khác (xua đuổi, di chuyển đi vùng rừng khác…) để bảo vệ tính mạng nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép áp dụng biện pháp bẫy, bắn tự vệ, sau khi đã có sự đồng ý của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Rõ ràng không phải làm ruộng rẫy gặp thú rừng quý hiếm là được phép săn bắt và cũng nên từ bỏ ngay suy nghĩ “rắn hổ mang chúa sau hè nhà tôi là của tôi”. Đành rành việc có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình người đàn ông bị rắn cắn này là điều đáng làm trong lúc hoạn nạn nhưng cách mà số đông trên mạng đang làm tạo cho người xem cảm giác việc săn bắn rắn của người dân nông thôn là bình thường.

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây