Chủ Nhật, Tháng năm 11, 2025

Thi cải lương: Đạt giải chưa hẳn đã có người xem

NGUYỄN HUY -

Dù cải lương đang xuống dốc nhiều năm qua nhưng cuộc thi cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 diễn ra tại Bạc Liêu kết thúc cuối tháng 11 qua có rất nhiều giải thưởng nhưng việc các tác phẩm đoạt giải có cơ hội đến với công chúng hay không lại là chuyện khác, mà có khi nó chỉ biểu diễn để... thi, sau đó cất vào kho.

Đầu tư nhiều

levanduyet-2Vở cải lương Trung thần (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) được đánh giá cao về chất lượng nhưng chưa thể phục vụ cho đông đảo công chúng.

Theo nhiều người trong nghề, hầu hết các đoàn nghệ thuật cải lương đang hoạt động từ tỉnh lẻ cho đến thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, đều nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, hay còn gọi là đoàn nhà nước, chỉ một số ít đoàn hoạt động dưới dạng xã hội hóa theo kiểu tự thu tự chi, tự dựng vở, tự thuê rạp diễn. Kinh phí từ ngân sách mà các đoàn nhà nước nhận được là một con số khiêm tốn, nên để có thể duy trì hoạt động, các đoàn nhà nước phải luôn trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”, “giật gấu vá vai”.

Cụ thể hơn, các nghệ sĩ ký hợp đồng lao động nhận lương mỗi tháng khoảng vài triệu đồng tùy vai trò từng người, một mức lương mà theo nhiều nghệ sĩ đang sống với nghề là không đủ chi phí thường nhật, chưa kể đến việc mua trang phục, mỹ phẩm, trong khi chi phí này với nghệ sĩ cải lương lại rất lớn. Chính vì vậy, để có thể có nguồn thu đủ để lo cho cuộc sống và nghiệp diễn, các nghệ sĩ cải lương chạy sô các kiểu, từ thôi nôi, sinh nhật, đám cưới, hát lễ kỳ yên cho tới các chương trình tổng hợp. Còn kinh phí dùng để dựng vở của các đoàn thực sự quá ít ỏi (từ 100 triệu đồng trở xuống – không đủ cho khâu soạn giả, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, di chuyển...), nên theo lãnh đạo một số đoàn nhà nước, các đoàn phải tự xoay sở hoặc là kêu gọi mạnh thường quân góp thêm.

Tuy nhiên, tới mỗi kỳ tham gia hội diễn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp, các đoàn xin cơ quan chủ quản thêm kinh phí, thường gấp 2-3 lần kinh phí dựng vở để đầu tư đủ cho một cuộc thi đòi hỏi cao mọi thứ. Nhờ vậy, các tác phẩm dự thi đều được trau chuốt tỉ mẩn và chất lượng hơn các vở bình thường từ nội dung, diễn suất của diễn viên đến phục trang, cảnh trí... Nói theo một nghĩa nào đó các nghệ sĩ được dịp tốt trong cuộc diễn để thể hiện tài năng, được chơi nghệ thuật thực sự.

Giám khảo đến khán giả: Xa lắm

Trong cuộc thi cải lương chuyên nghiệp 2015, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu tham dự với vở Mẹ và quê hương. Đoàn đã nhận được một giải bạc cho nội dung vở diễn và bốn giải vàng cho diễn viên. Trong một chừng mực nào đó, thành tích này được xem là thành công ấn tượng. Tuy nhiên, theo ông Khưu Minh Chiến, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu thì thành công của vở diễn trong cuộc thi chỉ để dành phục vụ cho giám khảo chứ không dành cho người xem bình thường.

“Các vở dự thi đều đòi hỏi cao về mặt nghệ thuật như sân khấu cách điệu. Cụ thể hơn các cảnh và bục bệ được yêu cầu tối giản nhưng chuyển tải nhiều ý tứ, chẳng hạn như xoay qua trái là cảnh cây cổ thụ nhưng xoay qua phải là cánh cửa nhà. Khán giả bình dân đã quen xem cụ thể cái nhà là cái nhà, cái cây là cái cây nên thiết kế sân khấu mang tính cách điệu khiến họ không hiểu. Từ không hiểu chuyển sang không thích. Nói thẳng ra các vở dự thi chỉ chủ yếu phục vụ cho giám khảo – những người có trình độ nghệ thuật cao mà bỏ qua yếu tố người xem đại trà”, ông Chiến nói.

Để linh động trong việc mang các vở dự thi phục vụ công chúng, các đoàn buộc phải diễn trích đoạn ngắn – tức là trích ra vài lớp hay nhất trong một tuồng dài để phục vụ khán giả trong chương trình cải lương tổng hợp. Bởi vì, nếu diễn cả một tuồng dài khán giả sẽ chán chường vì nội dung quá cao họ không thẩm thấu được. Theo ý kiến của một nhà chuyên môn, yêu cầu về mặt chủ đề vở diễn dự thi đa phần mang tính lý luận, nặng về tuyên truyền, trong khi khán giả cải lương cần đi sâu vào tình cảm, phản ánh đời sống gần gũi hàng ngày.

Do vậy, theo nhận định của nhiều lãnh đạo đoàn cải lương, với công chúng, đa số những vở dự thi có nội dung hơi khô khan khó thưởng thức. Cụ thể các vở quá triết lý như Chiến binh (giải vàng nội dung vở diễn) của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, hay Cõi Thiêng của Công ty Sen Việt (giải bạc nội dung vở diễn) thì loay hoay chưa biết phải làm sao sau khi hội diễn kết thúc. Trong khi đó, vở Cơn mê cuối cùng của Đoàn nghệ thuật cải lương nhân dân Kiên Giang là được diễn một suất tại Nhà hát TPHCM. Sau đó, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Nam mang vở diễn về hát ở quê nhà Kiên Giang, và diễn theo hợp đồng. Theo NSƯT Thanh Nam, sở dĩ vở này có thể phục vụ công chúng là vì câu chuyện của nó xoáy vào nhân nghĩa làm người của người dân miền quê. Ngặt nỗi vở diễn này không đoạt giải cao tại cuộc thi.

Riêng vở cải lương lịch sử cổ trang Trung thần (Huy chương bạc nội dung vở diễn-tác giả và đạo diễn NSƯT Hoa Hạ – chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt), dù được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng vẫn chưa có lịch diễn cụ thể. Điều này cho thấy rằng phần lớn các đoàn cải lương tham gia hội thi trong tinh thần muốn chứng tỏ khả năng làm nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng bản thân họ cũng ý thức rõ ràng rằng, để phục vụ cho công chúng, họ còn đối mặt với nhiều khó khăn nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế diễu hành 32 xe hoa mừng Phật đản

0
(SGTT) - Chiều tối 10-5 (13-4 Âm lịch), tại khu vực Nghinh Lương Đình (thành phố Huế), Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản...

Ra mắt tour trải nghiệm ‘Chất’ tại khu du lịch Làng...

0
(SGTT) - Lễ ra mắt tour trải nghiệm “Chất” – sản phẩm mở đầu cho chuỗi hoạt động du lịch với chủ đề “Chất...

Bữa sáng Sài Gòn với phần ăn bò né đầy đặn

0
(SGTT) - Trong con phố ẩm thực đường Xóm Chiếu, quận 4, có quán ăn Phượng thu hút thực khách bởi những món ăn...

Nỗi niềm của khách thuê Airbnb

0
(SGTT) - Ngày cuối ở London. Trả chìa khóa cho con gái bà chủ nhà, bước ra khỏi căn hộ Airbnb mà mình đã...

TPHCM khởi công dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hơn...

0
(SGTT) - Sau 20 năm chờ đợi, dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp...

Làm sao bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường...

0
(SGTT) - Công nghệ tiên tiến đã mang đến sự tiện lợi và trải nghiệm tốt hơn cho chúng ta. Tuy nhiên, rủi ro...

Kết nối