Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Quảng Nam định vị phát triển du lịch xanh, mở rộng không gian điểm đến

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam góp ý chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam 2020-2030 và những giải pháp phát triển sắp tới khi Covid-19 qua đi. TBKTSG Online trích lược những điểm chính của bản góp ý này.

Hội An thanh bình trong những ngày Covid-19 bùng phát. Ảnh: Nguyễn Sơn Thủy

Ở góc nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm làm du lịch, tác giả bài viết không đề cập tình trạng khủng hoảng do Covid-19 gây ra, vì theo ông, đây là cuộc khủng hoảng " vô tiền khoáng hậu" mà trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra tại Việt Nam và thế giới, đây là một khủng hoảng kinh tế du lịch không dự đoán được, vì vậy nó được xem như "một thảm họa " mà không ai hình dung và đánh giá hết ảnh hưởng của nó.

Tuy nhiên, cho dù là thảm họa gì đi nữa (động đất, sóng thần, chiến tranh, hay dịch bệnh...), thì cũng sẽ trôi qua, con người sẽ chiến thắng và mọi thứ sẽ phục hồi lại theo quy luật phát triển của nó. Có nhiều kỳ vọng về việc dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong cuối năm nay khi có vaccine mới triển khai trên thế giới và ngành du lịch Việt Nam sẽ làm lại từ đầu.

Mở rộng không gian điểm đến một cách toàn diện

Trong vòng hai thập niên vừa qua, kể từ khi UNESSCO công nhận Hội An và Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới thì điểm đến du lịch Quảng Nam được biết đến một các rộng rãi và phổ biến hơn trong nước và trên thế giới. Nhiều năm liên tiếp, du lịch Quảng Nam luôn tạo ra nhiều sự kiện văn hóa, sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách nhiều hơn, đáp ứng sự đa dạng và nhu cầu luôn chuyển dịch của du khách, đạt hơn 5 triệu lượt khách trong năm 2019.

Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận rằng du lịch Quảng Nam chỉ phát triển mạnh mẽ, tập trung nhất tại hai di sản Hội An và Mỹ Sơn. Hoạt động phát triển du lịch tại còn các khu vực còn lại, dù có không gian rộng lớn và có tiềm năng, trên địa bàn tỉnh lại khác èo uột. Nguyên nhân có khá nhiều, nhưng chủ yếu là do sự thiếu thuận lợi trong kết nối hạ tầng giao thông và sự thiếu thông suốt, thiếu chặt chẽ trong kết nối giữa các điểm vùng lân cận với trung tâm du lịch. Chính đều này vô tình tạo ra sự ngộ nhận của du khách, họ chỉ biết về du lịch Quảng Nam thông qua phố cổ Hội An và đền tháp Mỹ Sơn.

Nói tóm lại, khách du lịch chỉ biết đến Quảng Nam là điểm đến chỉ có di sản hoặc biển là chấm hết. Trong khi đó, Quảng Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch như đồng bằng, miền núi, biển, hải đảo,... chưa được khai thác vào phục vụ khách du lịch. Điều này cũng giống như thương hiệu của các địa phương khác chưa định vị rõ nét "Điểm đến du lịch" trong tiềm thức du khách. Ví dụ, khách quốc tế chỉ biết đến Sapa hơn là biết đến Lào Cai; khách chỉ có ấn tượng về Nha Trang hơn là Khánh Hòa; quan tâm Mũi Né hơn là Phan Thiết; biết đến Hạ Long, Yên Tử nhiều hơn là Quảng Ninh. Đây là thực trạng của ngành du lịch Việt Nam trong việc định vị tên gọi điểm đến. Điều này rất quan trọng và ảnh hưởng hiệu quả đến công tác xúc tiến du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch tại từng điểm đến.

Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, với điều kiện hạ tầng giao thông Quảng Nam được mở rộng và thông suốt như hiện nay, đồng thời ngành du lịch áp dụng các giải pháp công nghệ số, tiếp thị số rộng rãi thì Quảng Nam cần thúc đẩy việc mở rộng không gian du lịch tại các địa phương khác trong tỉnh. Một mặt tạo điều kiện cho các địa phương khác phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, và đặc biệt định vị rõ "Du lịch Quảng Nam"sâu sắc trong tâm trí của du khách.

Xây dựng sản phẩm du lịch tại từng cụm điểm đến

Quảng Nam là một trong vài địa phương có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi trong nước. Du lịch Quảng Nam có nhiều tài nguyên phong phú để đa dạng hóa sản phẩm mà không bị lặp lại, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các huyện, thành phố trong tỉnh. Nếu phân theo địa lý hành chính thì nên phân theo các cụm điểm đến, từ đó xây dựng lên các chuỗi dịch vụ đặc thù, tạo sự khác biệt và độc đáo trong từng vùng, cụ thể như sau:

Cụm 1 - Trung tâm du lịch: Hội An - Mỹ Sơn là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, đây là điều tất yếu không bàn cãi. Hai địa danh này chắc chắn sẽ là điểm không thể thiếu trong hành trình của mỗi du khách đến du lịch Quảng Nam. Nơi đây hiện tại có quá nhiều các sản phẩm du lịch và tiếp tục duy trì, phát huy tốt giá trị của nó.

Cụm 2 - Vại ruộng lúa đồng bằng: Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình là các địa phương có nhiều diện tích ruộng lúa bao la, tạo ra những cánh đồng bất tận và cuốn  hút tầm nhìn. Chính tài nguyên du lịch nông nghiệp này sẽ được khuyến khích phát triển du lịch farmstay, du lịch nông nghiệp, trang trại, hệ thống nhà vườn rau hữu cơ.

Biển An Bàng, Hội An. Ảnh: Nhân Tâm

Cụm 3 - Bờ biển dài 80 km chạy dài từ Điện Bàn đến Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đang phát huy tiềm năng về du lịch biển, nghĩ dưỡng sang  trọng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy khu vực này sẽ là cơ hội để chúng ta tranh thủ chủ trương của Thủ tướng về phát triển kinh tế ban đêm (Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020). Vị trí xây dựng khu vực kinh tế ban đêm sẽ rất tiềm năng tại các biển Viêm Đông, Thống Nhất tại Điện Bàn; biển An Bàng tại Hội An; biển Cửa Khe tại Thăng Bình; biển Tam Thanh tại Núi Thành. Hiện nay, Quảng Nam đang có lợi thế về du lịch casino tại Nam Hội An và cụm du lịch ẩm thực đêm tại An Bàng, sẽ là tiền đề góp phần phát triển kinh tế ban đêm. Sản phẩm du lịch kinh tế ban đêm sẽ góp phần tăng tính phong phú cho du lịch Quảng Nam trong thời gian đến.

Cụm 4 - Văn hóa núi rừng. Miền núi phía Tây bao gồm các tỉnh Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang. Sản phẩm du lịch núi rừng, văn hóa bản địa nơi đây có đặc thù rất riêng với các vùng khác trong cả nước, phù hợp cho phát triển du lịch thể thao, Marathon miền núi, trekking, văn hóa đồng bào dân tộc. Nơi đây đã có vài doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án nhiều năm tuy nhiên chưa đủ mạnh, cần sự hỗ trợ của tỉnh nhiều hơn về cơ chế thu hút đầu tư vào khu vực này.

Cụm 5 - Tam Kỳ - Núi Thành - Tiên Phước - Phú Ninh: Cụm địa phương này rất phù hợp để phát triển các dòng sản phẩm du lịch thiên nhiên, sinh thái. Đặc biệt đây là tuyến điểm quan trọng cho du lịch tàu biển quốc tế cập cảng Chu Lai, Kỳ Hà và cảng sân bay Chu Lai nâng cấp khai thác trực tiếp đường bay quốc tế. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cao của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong nhiệm kỳ đến.

Định vị du lịch Quảng Nam - điểm đến xanh và bền vững

Trong bối cảnh thiên nhiên thế giới đang cạn kiệt, tình hình thiên tai địch họa ngày càng nghiêm trọng trên trái đất, Việt Nam cũng không nằm trong bối cảnh chung đó. Đồng thời, với điều kiện sản phẩm du lịch Quảng Nam được định hướng xây dựng trên các tiêu chí bền vững, tiêu chí xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mục tiêu lâu dài là phát triển du lịch toàn diện, rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, với các yêu cầu trên, du lịch Quảng Nam có thể xác định và nhất quán xây dựng điểm đến du lịch xanh và bền vững. Đây sẽ là khẩu hiệu mạnh mẽ, ấn tượng và nhất quán trong giai đoạn chiến lược đến. Đây sẽ là thông điệp lớn, gây ảnh hưởng đến du khách trong và ngoài nước về điểm đến du lịch Quảng Nam.

Hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững có thể là giải pháp cho du lịch Quảng Nam. Trong hình buổi tham quan thực tế về mô hình sản xuất rau hữu cơ của nhân viên khách sạn Little Hội An tại KyMiBo Garden, Hội An. Ảnh: Nhân Tâm

Ghi nhận tại con đường di sản Miền Trung có thể nhận thấy chiến lược phát triển du lịch tại các tỉnh thành lân cận như TP Huế xây dựng thương hiệu điểm đến "Kinh đô Áo dài và ẩm thực thế giới", TP Đà Nẵng là "Trung tâm sự kiện và vui chơi giải trí thế giới". Vì vậy, Quảng Nam với lợi thế của mình, điều kiện tài nguyên sẵn sàng, cơ sở vật chất vững vàng, có thể nhanh chóng đi tiên phong trong việc xây dựng, định vị "Điểm đến du lịch xanh, bền vững" như là một kim chỉ nam chiến lược, để phát triển lâu dài.

Nếu xác định được tiêu chí này, ngành du lịch Quảng Nam sẽ tạo điều kiện kéo giãn không gian du lịch, giảm bớt áp lực lên các di sản văn hóa thế giới, tạo động lực cho các địa phương khác phát triển, tạo cơ hội việc làm cho người dân, người dân sẽ là chủ thể của điểm đến du lịch trong tỉnh, dần dần khẳng định một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cho tỉnh nhà. Du lịch xanh, bền vững không chỉ bảo tồn được giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa, bảo tồn giá trị di sản thế giới, mà nó quan trọng hơn nữa là bảo tồn chính làng quê, điều kiện sống, không khí hít thở hằng ngày của người dân tại địa phương.

Chủ động khai thác nguồn khách trực tiếp

Mặc dầu, Quảng Nam thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế đến địa phương, tuy nhiên lượng khách đến trực tiếp vẫn thông qua cửa ngõ sân bay Đà Nẵng và Huế. Trong khi điều kiện Quảng Nam có sân bay, cảng biển, cửa khẩu, đường sắt, trực đường giao thông cao tốc Bắc Nam. Nhưng vẫn còn hạn chế lượng khách đến trực tiếp.

Du lịch tàu Biển: Gần đây, chúng tôi đã khảo sát các tuyến điểm du lịch đường biển tại Phía Nam thuộc các điểm du lịch Cụm 3 đầy tiềm năng và có thể sẵn sàng khai thác du lịch tàu biển quốc tế trong vòng 2 năm đến nếu chính quyền và cảng vụ xin giấy phép đón tàu quốc tế có chiều dài 172 mét. Đây là nguồn khách lớn bổ sung vào lượng khách du lịch quốc tế có chất lượng cao vào du lịch Quảng Nam. Đặc biệt làm hồi sinh các tuyến điểm du lịch tại Cụm 3 này.

Đường bay quốc tế: Sân bay Chu Lai là một cửa ngõ lớn chưa đựơc nâng cấp và khai thác đường bay quốc tế từ nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Trong điều kiện sân bay quốc tế Đà Nẵng đang quá tải thì sân bay Chu Lai sẽ là lựa chọn thứ hai để điều tiết các đường bay quốc tế vào các thời gian cao điểm như mùa cao điểm du lịch quốc tế, quốc nội, Tết Dương Lịch và Âm Lịch. Hoặc các chuyến bay charter (thuê chuyến) trực tiếp từ các nước khu vực đến Quảng Nam.

Du lịch Caravan: Cửa khẩu Đắc Ốc, Nam Giang và Tây Giang : nếu khu vực này thuận lợi, nâng cấp cửa khẩu quốc tế thì lượng khách đi du lịch đường bộ từ các nước Đông Nam Á ( Thái Lan, Singapore, Malaysia, Cambodia, Lào ) sẽ du lịch rất nhiều bằng các loại xe bus và carravan ( xe ô tô tự lái ). Đây cũng là tuyến đường thuận lợi, làm ngắn lại cung đường du lịch caravan cho các đoàn đi du lịch xuyên Đông Nam Á.

Cao tốc Bắc -Nam: Trục đường giao thông Bắc Nam, đã quá thuận lợi cho việc khai thác khách du lịch hai đầu đất nước.

Tất cả các tuyến đường giao thông bên trên nếu được nâng cấp lên thành các của ngõ quốc tế thì ngành du lịch Quảng Nam mới mạnh dạn, tự tin nhận mục tiêu đến năm 2025 đón 12 triệu lượt khách và 2030 đón 14 triệu lượt khách.

Nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, phân khúc cao cấp

Du lịch Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi quá lớn, tài nguyên thiên nhiên đang là thứ xa xỉ trong du lịch ngày này, nhưng bị các doanh nghiệp khai thác rẻ mạt, bán cho thị trường khách đại trà, tàn phá thiên nhiên. Họ chưa đề cao giá trị của sản phẩm du lịch thiên nhiên, chưa trao chút sản phẩm sáng tạo, khai thác thị trường phân khúc cao cấp. Việc này cần định hướng mạnh mẽ từ các cấp chính quyền quản lý du lịch, nên hoạch định rõ tiêu chí sản phẩm du lịch cho thị trường cao cấp, MICE khi cấp phép đầu tư.

Vé tham quan tại các di sản Hội An và Mỹ Sơn cũng khá thấp so với các điểm tham quan khác trong vùng. Như vé tham quan vào Angkor Wat tại Camphuchia là 850.000 đồng/người. Hoàng Cung Thái Lan tại Băngkok là 375.000 đồng/người. Hạ Long là 300.000 đồng/người.

Chèo thuyền thúng tại rừng dừa Bảy Mẩu, Hội An. Trải nghiệm văn hóa địa phương trong tour du lịch cao cấp cũng là một giải pháp cho du lịch Quảng Nam Ảnh: Jack Trần cung cấp
Xúc tiến du lịch thời kinh tế số

Từ khi ngành du lịch Quảng Nam được hình thành đến nay, điểm đến Quảng Nam gắn chặt với thương hiệu di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn trong thời gian dài, do vậy công tác xúc tiến du lịch được lan tỏa rất mạnh mẽ ra khu vực và thế giới, tạo lợi thế quá lớn cho công tác xúc tiến du lịch địa phương, nó như một sự lan tỏa hiệu ứng tự nhiên "hữu xạ tự nhiên hương" mà không cần cần quá nhiều vào công tác đầu tư xúc tiến du lịch. Được báo giới trong nước và thế giới ưu ái ca ngợi trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đó cũng tạo ra mặt trái của điểm đến, khi chúng ta không chủ động giới thiệu sản phẩm du lịch mới, mở rộng không gian du lịch, chủ động khai thác thị trường mục tiêu, nhằm cân bằng cơ cấu thị trường khách bền vững.

Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, một địa điểm du lịch nổi tiếng hơn 20 năm qua, nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy chưa có một công cụ marketing số nào đạt hiệu ứng cao trên mạng. Chưa có một trang fanpage du lịch Quảng Nam chính thống nào đạt "tích xanh" của Facebook, chưa có trang quảng bá du lịch về video clip nào đạt "nút bạc, nút vàng" của youtube, chưa kể hầu như không có trang quảng bá du lịch Quảng Nam nào chính thống trên các kênh Instragram, Linkined, Tiktok,...

Với định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cho địa phương, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện điều kiện thực tiễn tại địa phương, xu hướng du lịch thế giới, để có những sách lược hiệu quả, đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Nguyễn Sơn Thủy

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân...

0
(SGTT) - Ngày 20-11, Liên Hiệp Quốc thông báo hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố chung thúc đẩy du lịch bền vững...

Rừng đang ‘chảy máu’

0
(SGTT) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu...

Quảng Nam có ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được vinh danh là một trong 55 làng du...

Bảo tồn đa dạng sinh học từ góc nhìn đề án...

0
(SGTT) - Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung....

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Kết nối