TƯỜNG VI -
Cứ đều đặn mỗi ngày, trước cửa một căn nhà nhỏ trên đường Lão Tử, quận 5, TPHCM, người ta lại thấy một nghệ nhân cần mẫn với công việc viết liễng suốt hơn 30 năm nay. Người đàn ông ấy là Kim Hy.
Ở tuổi 70 thay vì hưởng thụ tuổi già nhàn hạ bên con cháu, hàng ngày ông Kim Hy vẫn phải đạp xe rời căn nhà nhỏ của mình trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 để đi đến nơi làm việc. Nói là nơi làm việc nhưng thực chất là một chiếc bàn nhỏ với những tấm giấy đỏ, hồng cùng một bộ sưu tập đủ các loại cọ, mực nhũ vàng và mực Tàu được bày ra xung quanh.
Thật tình ông Kim Hy rất ngại khi được phỏng vấn bởi ông nói rằng tiếng Việt của ông không được tốt lắm, không thể diễn tả hết được những điều muốn nói. Cha mẹ ông gốc là người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang Việt Nam từ lâu. Tuy ông sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng do sống giữa cộng đồng người Hoa ở khu Chợ Lớn và chỉ giao tiếp bằng tiếng Hoa nên vì thế mà tiếng Việt ông nghe và nói vẫn còn chưa rõ.
“Tôi làm nghề này đã hơn 30 năm nay. Ngày xưa chỉ học chữ ở trường, học viết chữ Hán, thư pháp bằng tiếng Hoa. Trước đây, tôi buôn bán đủ thứ. Rồi kinh tế khó khăn, tôi thất nghiệp, kiếm việc không ra nên đành đi viết chữ kiếm sống. Vậy mà không ngờ gắn bó với cái nghiệp này đã vài chục năm”, ông kể lại và cho biết ông là người duy nhất trong gia đình làm công việc viết chữ này và con cái cũng không một ai nối nghiệp ông.
Giờ đây, mặc dù đã có các loại liễng và câu đối được in công phu đẹp mắt và giá cả lại cạnh tranh nhưng nhiều người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn vẫn còn chuộng cách viết thủ công. “Chữ viết tay tuy không sắc sảo, bóng bẩy như chữ in bằng máy móc nhưng lại có hồn và sống động hơn với nét chữ uyển chuyển. Và đó là phong tục được giữ lại từ thời xa xưa”, ông nói.
Tuy vậy nhưng ông Kim Hy cũng thú thật ngày thường rất vắng khách. “Có ngày không kiếm được đồng nào, có hôm được vài chục ngàn đồng. Nhưng đều đặn mỗi ngày tôi vẫn thường mở cửa làm việc từ 9 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều mới nghỉ”, ông cho biết.
Chất liệu mà ông dùng là mực nhũ vàng pha với dầu bóng hoặc là mực Tàu màu đen. “Mực Tàu viết trên giấy trắng hay hồng thì chỉ còn những người già mới thích trong khi viết chữ nhũ vàng hiện nay được ưa chuộng hơn hẳn do nó sáng bóng và bắt mắt hơn”, ông cho hay.
Một năm chỉ có một mùa là đông khách, đó là vào tháng Chạp, khi nhà nhà bắt đầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Khi ấy, ông lại bày cái bàn ra đường Hải Thượng Lãn Ông để viết chữ cho đến hết tháng Chạp, bởi theo văn hóa truyền thống của người Hoa, dù ở bất cứ nơi nào, vào ngày tết, ngày lễ hay bất cứ ngày nào trong năm họ cũng đều thích treo tấm liễng đỏ với ý nghĩa đem lại những lời cầu phúc tốt lành.
Tháng Chạp có nhiều người đến tìm ông xin chữ nên trong suốt thời gian đó, ông phục vụ khách từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối mới dọn hàng về. “Tùy kích cỡ và lượng chữ mà những tấm liễng đỏ có giá cả khác nhau, từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Làm cái nghề này, tôi chẳng bao giờ mong giàu có nổi, chỉ đủ sống qua ngày là quý rồi”, ông tâm sự.
Ai thuê gì ông viết nấy. Người mua chỉ cần nói rõ nhu cầu hoặc muốn tư vấn về câu chữ như thế nào thì ông luôn sẵn sàng đáp ứng. Nhưng tựu trung lại vẫn là những câu chữ hàm ý chúc phúc, cầu may, cầu tài như Khai trương hồng phát (khai trương phát tài lớn), Ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc đến nhà), Hợp gia bình an, Tân xuân đại cát, Vạn sự như ý, An khang thịnh vượng hoặc từng chữ Phúc, Lộc, Tài, Danh... Các tấm liễng bằng giấy này thường được người ta treo phía trước hay trong nhà. “Cứ dịp sắp tết, ai cũng đi xin chữ. Họ cầu bình an, cầu phúc, cầu tài lộc nhưng chữ Bình an được người ta yêu cầu viết nhiều nhất”, ông cho biết thêm.
Tuy cuộc sống mưu sinh của ông còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông vui vì giờ đây khách hàng là người Việt tìm đến ông xin chữ nhiều hơn chứ không chỉ riêng gì người gốc Hoa như trước kia. Ông nói: “Thậm chí, cũng có nhiều khách Tây đến TPHCM du lịch, dạo quanh nơi đây thấy tôi đang viết chữ cũng tò mò đến hỏi mua, mang về làm kỷ niệm”.