NGUYÊN THƯƠNG -
Tần suất xuất hiện những bài báo về chuyện đổ nông sản cho bò ăn ngày càng dày đặc hơn và mới đây nhất là táo. Giá táo ở vùng chuyên canh cây táo thuộc xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Bình Thuận đã giảm mạnh, có chỗ nông dân chỉ bán 1.000 đồng/kg, nhưng cũng không ai mua. Vậy là nông dân vùng này cắt cành táo bỏ cho bò và dê ăn.
Rồi tháng trước là chuối ở Vĩnh Phúc, thương lái không mua, người dân bỏ chuối cho bò ăn. Theo như diễn tả của nhiều bài báo thì thậm chí bò không muốn ăn, vì quá… ngán chuối.
Trước đó nữa là rau Đà Lạt, cà chua Lâm Đồng, thanh long Bình Thuận, đều là đặc sản của các vùng, phải đổ cho bò ăn vì giá quá thấp, bán cũng như không bán.
Nhìn cảnh nông sản nhập từ Trung Quốc tấp nập về chợ đầu mối tại TPHCM, chiếm lượng lớn trong nông sản tiêu thụ tại các chợ mà cảm thấy buồn, hàng của họ vẫn tiêu thụ được, giá cũng không xuống đến mức quá thấp, vậy mà người nông dân của mình lại khóc ròng trên mảnh ruộng vườn của mình.
Trong khi nhiều nhà quản lý phân tích việc trúng mùa, rớt giá của nông nghiệp Việt Nam là do không có sự kết hợp giữa người trồng, người bán và người tiêu dùng, khiến cho trồng xong không bán được, rồi không định hướng nên trồng loại gì chính vì thế nông dân cứ trồng đại trà, khiến cung vượt cầu… thì hãy nhìn cách tổ chức nhập nông sản từ Trung Quốc rất quy củ trong nhiều năm tại các chợ đầu mối ở TPHCM. Tiểu thương trong nước chỉ cần đặt hàng qua điện thoại, thì thương lái nước ngoài sẽ giao đầy đủ số lượng, chất lượng hàng đồng đều, mùa nào thức nấy.
Tôi nghĩ đã đến lúc ngành nông nghiệp và người nông dân của mình phải thay đổi. Có lẽ bắt đầu là từ tư duy của người nông dân, từ khâu chọn trồng loại cây nào, chọn lọc giống ra sao cho chất lượng, chăm chút để nông sản của mình cao cấp, nhà cung cấp buộc phải liên hệ để mua, chứ không phải bị ép giá như hiện nay. Còn nhà quản lý muốn giúp, thì phải giúp về tư vấn giống, cảnh báo tình trạng thừa cung, và kết nối giữa nông dân với những nhà buôn lớn, tạo ra chuỗi khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra của nông sản. Thêm vào đó, chế biến sau thu hoạch như đóng hộp trái vải, nhãn, chôm chôm để bán giá cao cũng là việc nên làm, nhiều hội thảo đã nhắc đến việc này nhưng chưa thấy xúc tiến được là bao? Sao mình không học cách gom hàng và phân phối của thương lái Trung Quốc?