CHÍNH PHONG -
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Bính Thân 2016, một số gia đình đang chuẩn bị dọn dẹp, sửa sang nhà cửa đón tết. Đây cũng là thời điểm bận rộn của giới chủ thầu và thợ xây dựng.
Chọn mối quen
Những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn của các chủ thầu và thợ xây dựng.
Cần sửa lại phòng khách và làm thêm một phòng ngủ mới để đón vợ chồng người con gái ở nước ngoài về quê ăn tết, ông Sơn ở đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú, TPHCM) gọi điện cho người thợ quen. Phía đầu dây bên kia trả lời: “Em đang kẹt thi công một dãy nhà liên kế ở Đức Hòa, Long An từ giờ đến hết năm. Anh cần thì để em giới thiệu mối thợ khác”.
Cảm thấy không an tâm với người sẽ được giới thiệu, ông Sơn từ chối, nói sẽ tự tìm người khác. Theo ông Sơn, thợ quen biết giúp ông kiểm soát tốt hơn giá cả, chất lượng và tiến độ thi công, tránh được cảnh thợ tự phá hỏng vài chỗ để có cớ đề nghị gia chủ sửa, hoặc cũng dây dưa tiến độ để đến sát tết mới xong.
“Bây giờ lên mạng Internet đầy công ty quảng cáo sửa nhà ra đấy, nhưng ai không có việc thì vẫn không có việc. Tôi không quảng cáo gì hết mà thợ làm không hết việc”, một chủ thầu xây dựng tên Định cho biết. Theo ông, công việc này khác với công việc bán hàng, quảng cáo chưa chắc đã làm người ta tin. “Mình làm uy tín qua nhiều năm thì người ta mới giới thiệu mình cho những người khác. Chủ nhà thường tin vào thợ hay thầu qua họ hàng, bạn thân giới thiệu hơn”, vị thầu xây dựng này đúc kết kinh nghiệm.
Theo ông Định, chủ nhà cần phân biệt giữa việc sửa nhà đón tết với đại tu nhà cửa. Những hạng mục mang tính thay đổi kết cấu như nâng tầng, thêm phòng, làm lại mái thì nên để sau tết thi công. Lúc đó có nhiều thời gian, thợ đang nhàn rỗi và giá vật liệu cũng rẻ. Còn vào thời điểm cận tết, ai có nhu cầu thì chỉ nên sơn phết lại nhà, thay đổi chút đỉnh phần nội thất hoặc sửa các bộ phận công trình phụ như toilet xuống cấp.
Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn để việc dồn đến mùa gần tết mới làm, một phần vì quan niệm của người Việt là luôn muốn dành những gì mới cho năm mới. “Nhà nào cũng muốn sửa, nhiều tiền thì sửa nhiều, ít tiền thì sửa ít, thậm chí có người mua vật liệu về tự xoay xở”, ông Định nêu thực tế. Vị này cho biết, vài năm trở lại đây ông nhất định không nhận công trình khi đã vào tháng 12 Âm lịch nữa để dồn sức tập trung làm tốt những việc đã nhận nhằm giữ uy tín.
Ghi nhận từ thị trường vật liệu xây dựng cho thấy, giá cả sắt thép, xi măng tương đối ổn định. Trong khi đó, các vật liệu nội thất, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh giá cả có tăng nhẹ, nhưng gạch xây dựng tăng gần gấp đôi so với mùa tết năm ngoái. Còn về giá nhân công, ngày thường đã là 350.000 đồng/ngày cho thợ chính có tay nghề, 250.000 đồng/ngày cho thợ phụ hồ. Vào dịp cận tết, thuê thợ để sửa chữa nhỏ giá có thể lên đến 500.000 đồng/ngày.
“Nếu thuê chủ thầu làm công trình dịp gần tết thì họ cũng tính công 400.000 đồng/ngày cho thợ chính khi báo giá, vì họ còn phải lo tiền thưởng thêm, tiền xe cộ về quê cho thợ”, ông Sang, một chủ thầu xây dựng chuyên thi công ở khu vực quận Tân Bình cho biết. Ông này dự báo nhu cầu sửa nhà đón tết năm nay có thể sẽ tăng so với năm ngoái.
Công ty đắt hơn, nhưng đảm bảo
Dịch vụ sửa nhà đón tết cũng chia phân khúc, theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Mạnh Quyền của Công ty Thiết kế xây dựng A2B. Các chủ nhà phố lớn, chủ nhà biệt thự, chủ doanh nghiệp hay những người mới dọn về chung cư thường chọn các công ty làm nhà thầu vì họ có năng lực đưa ra các giải pháp tổng thể về kiến trúc, nội thất và vật liệu.
Theo ông Quyền, thường thì giá cả của các công ty cao hơn chủ thầu bên ngoài 15-20%, vì họ tính theo đơn giá nhà nước, có thêm các khoản chi phí chung. Đổi lại, chất lượng công trình đảm bảo hơn nhờ kỹ sư lành nghề túc trực giám sát. “Đã làm là không có phát sinh… và chắc chắn là có cam kết làm chậm tiến độ sẽ phải bồi thường”, ông Quyền cho biết.
Ông Quyền cho biết hiện nay trên thị trường có nhiều loại vật liệu xây dựng mới cho phép rút ngắn thời gian thi công nhiều mà vẫn đảm bảo về mặt kết cấu và thẩm mỹ, chẳng hạn như tấm panel tường 3D, vách ngăn Duraflex hay tấm trang trí smartboard SCG… “Chúng tôi vẫn giải thích cho các chủ nhà rằng những vật liệu này nhẹ, bền, có nhiều kiểu dáng, dễ thi công và làm rất nhanh. Song một số người vẫn quen dùng các vật liệu truyền thống như gạch để xây tường hay gỗ tự nhiên để trang trí nội thất”, ông Quyền cho biết.
[box type="download"] Chọn màu cho năm 2016 Cứ vào quí 4 hàng năm là nhiều hãng sơn, thời trang… nổi tiếng trên thế giới lại tập hợp các chuyên gia về thiết kế, phong cách để chọn lựa xu hướng màu sắc cho năm kế tiếp. Hãng AzkoNobel của Hà Lan đưa ra màu sắc chủ đạo của năm 2016 là màu vàng hoàng kim (Monarch Gold). Còn hãng sơn và hóa chất Benjamin Moore của Mỹ lại chọn màu trắng (Simply White) cho năm 2016. Những người hoạt động trong ngành liên quan nhiều đến màu sắc đang chờ đợi, phỏng đoán về màu chủ đạo 2016 của Viện Màu sắc Pantone, dự kiến vào cuối tháng này. Màu chủ đạo 2015 mà Pantone đưa ra là màu nâu đất (Mashala), song nhiều người đoán màu 2016 của Pantone sẽ là tông xanh da trời đậm, gần giống màu Blue Iris năm 2008. Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Nam từ Công ty Thiết kế kiến trúc HADT, người Việt Nam có vẻ không quan tâm nhiều đến màu xu hướng màu của thế giới. Nhiều người ưa dùng các gam màu trung tính, màu trắng và màu phù hợp với tuổi, với phong thủy của năm.[/box]
...và tự làm
Một số người trong ngành cho rằng có những hư hỏng nhỏ hoặc cấu kiện nhà cửa xuống cấp gia chủ có thể tự sửa chữa được, chỉ cần một chút kiến thức bởi vật liệu và đồ nghề bán nhiều ngoài thị trường. Ví dụ, sàn gạch men hay sàn gỗ không bóng, ố vàng có thể dùng các hóa chất và thiết bị tẩy rửa để làm mới. Nếu sàn nhà, trần hay tường bị nứt có thể dùng máy cắt bê tông, máy khoan cấy ốc kim loại vào vết nứt rồi xịt một hóa chất có bán trên thị trường.
Với sự hỗ trợ của các hãng sơn hiện nay, việc sơn phết lại nhà cửa bằng sơn nước cũng không phải là việc khó. Còn những cánh cổng, tay vịn cầu thang hay hàng rào, nếu không có kinh phí để mua mới thì có thể tìm đến các khu bán đồ cũ trên đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) hay khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) tìm mua với giá bằng 1/3 so với đồ mới.