Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Dân thành thị chuộng đặc sản “xách tay”

HƯƠNG LAN -

Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, đặc sản miền quê còn du nhập vào các thành phố lớn như TPHCM theo đường xách tay, thông qua kênh quảng cáo, đặt hàng trên các trang mạng xã hội.

Đặt hàng online

9a Nhiều đặc sản vùng miền đang theo đường xách tay vào các thành phố lớn.

Lần nào cũng vậy, trước khi về quê nghỉ phép, chị Thu Huyền lại “rao” trên Facebook để ai muốn ăn đặc sản Quảng Ngãi quê chị thì đặt hàng. “Nhiều người muốn ăn đặc sản Quảng Ngãi mà không biết mua ở đâu, nên mỗi lần biết tôi về quê thì bạn bè ở thành phố lại đặt mua rất nhiều”, chị Huyền cho biết.

Đặc sản quê mua bán trên Facebook khá đa dạng, từ đồ khô, trái cây đến hải sản tươi sống, thậm chí cả gạo, thịt, nem chua, cá, mực, bánh… Nhiều cửa hàng tận dụng khách hàng sẵn có, địa điểm và nguồn hàng tận gốc do quen biết cũng rao bán trên Facebook.

Chị Dung, chủ một sạp giày dép ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết chị có người bạn ở Hải Phòng, vùng đất nổi tiếng với món nem chua. Lúc đầu, chị đặt thử 100 cái và rao bán trên mạng, không ngờ số nem chua đó đã được bán hết sạch chỉ trong hai ngày. Sau đó, nhiều khách hàng gọi điện đặt mua nên số lượng tăng dần. Hiện nay, mỗi đơn đặt hàng của chị lên đến cả ngàn cái nem.

Bà Phan Lê ở quận 3, TPHCM cho biết bà thường nhờ người em ở Đắk Lắk mua giùm ít bơ tươi rồi chuyển phát nhanh xuống Sài Gòn, dù chợ gần nhà không thiếu thứ trái cây này. Dù giá bán mỗi ký bơ như vậy có thể đắt hơn vài chục ngàn đồng so với giá ở chợ, nhưng bà vẫn thích được ăn bơ tươi chính gốc Đắk Lắk hơn, nên có “thêm vài chục ngàn đồng cũng không sao”, bà Lê nói.

Khác với bà Lê, chị Thu Hiền, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết chị thường mua đặc sản quê với giá rẻ nhờ bạn bè trên Facebook. Chị kể có lần, sếp nhờ mua một ký trà Thái Nguyên thượng hạng. Chị ghé một số cửa hàng và siêu thị thấy giá niêm yết lên đến một triệu đồng một ký. Vấn đề là không biết loại trà đó có thượng hạng thật không. Chợt nhớ ra cô bạn quê Thái Nguyên trên Facebook vẫn hay nói chuyện, chị nhắn mua giùm, và chỉ ba ngày sau chị nhận được hàng. “Nghe cô bạn nói, búp chè được chọn là loại ngon nhất, sao chè thủ công, công đoạn rất cầu kỳ, mà giá có 600.000 đồng/kg”, chị Hiền cho biết.

Đi đường xách tay

Cũng nhờ Facebook, chị Huyền thường đăng hình ảnh, giới thiệu đặc sản Quảng Ngãi cho bạn bè, từ don, quế trà bồng, cá bống sông trà, đường phèn, đường phổi, chim mía đến kẹo gương… Chị kể, nhiều “khách hàng” của chị là người Quảng Ngãi, những người xa quê lâu ngày, thèm ăn quà quê chính hiệu nên đặt chị mua giùm. Vì chị đi máy bay, hành lý xách tay bị giới hạn nên mỗi chuyến về quê, chị Huyền chỉ đem theo được 20-30 kg. Với số lượng này, nhiều chuyến chị không đủ hàng để cung cấp cho người mua.

Khi được hỏi về những hạn chế, khó khăn khi bán đặc sản quê bằng hình thức trên, chị Huyền cho biết: “Tôi bán cho vui thôi, chứ chẳng có lời. Khách toàn là bạn bè, đồng nghiệp đặt mua. Mỗi lần từ quê lên phải mang vác, vận chuyển cồng kềnh, cực lắm. Cước phí gửi hành lý máy bay đâu có rẻ. Lúc thành tiền có khi còn mắc hơn so với giá ở một số cửa hàng chuyên bán đặc sản Quảng Ngãi nữa, vậy mà nhiều người vẫn đặt mua”.

Nói về chuyện đặc sản xách tay có giá đắt hơn ở chợ nhưng nhiều người vẫn mua, chị Mai Hương cho biết quê chị ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nơi nổi tiếng với trái vải thiều. Cứ mỗi lần vào vụ, chị lại chụp hình vườn vải ở quê rồi đăng lên Facebook cá nhân mời mọi người mua đặc sản quê mình.

“Đến mùa, đi đâu cũng thấy bán vải. Nhiều người quảng cáo là vải Thanh Hà, Hải Dương nhưng có thật hay không, khách hàng khó mà xác định được. Giá cả đa dạng, rẻ có đắt có”, chị Hương nêu thực tế.

Chị Hương chào giá đặc sản quê mình dựa trên giá vải bán ra tại vườn, cộng tiền vận chuyển, cộng 2.000-3000 đồng tiền công mỗi ký. Nhận đặt hàng của khách xong, chị gọi điện cho mẹ ở quê để bà ra vườn hái vải gửi xe vận chuyển lên ngay trong ngày. “Có khi sáng hái, tối khách đã nhận được vải ăn rồi. Vải vừa tươi, vừa ngon lại đảm bảo xuất xứ”, chị Hương nói. Bằng cách này, mỗi mùa chị bán cả trăm ký vải thiều Hải Dương.

Một số người cho rằng đặc sản quê du nhập vào thành phố bằng đường xách tay theo hình thức trên có phần đảm bảo chất lượng hơn so với hàng ở chợ. Hơn nữa, nhiều loại đặc sản của các vùng miền không phải lúc nào trong siêu thị hay ngoài chợ cũng có bán. Mặc dù số lượng mỗi lần giao dịch nhỏ lẻ nhưng hình thức này đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Hải Dương nhớ thưởng thức món quà quê “rồng đất”

0
(SGTT) - Được mệnh danh là "rồng đất" hay "sâm đất", con rươi của vùng đất Hải Dương ngày nay không chỉ là món...

Mách bạn những nơi có thể thưởng thức đặc sản được...

0
(SGTT) - Bạn có thể biết về nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận, như rạn san hô Great Barrier Reef ở...

Đặc sản tôm nõn Nghệ An tăng giá cao

0
(SGTTO) - Tôm nõn là một trong những đặc sản biển nổi tiếng của Nghệ An hiện có giá tăng gần gấp đôi so...

“Hành trình phơi sương xứ Trảng” tôn vinh nghệ nhân bánh...

0
(SGTTO) - Từ ngày 24-12-2020 đến hết ngày 1-1-2021, lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng 2020 lần 3 sẽ được...

Thêm hai loại trái cây đặc sản vào thực đơn cho...

0
(SGTTO) – Đặc sản dưa lưới Tây Ninh – các loại dưa vỏ xanh ruột cam, vỏ vàng ruột xanh và vỏ trắng ruột...

Món ngon thời khẩn hoang níu khách phương xa

0
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG - Nếu bạn làm một chuyến rong ruổi đến miền Nam, bạn sẽ gặp những cánh đồng, xa tít là sông nước,...

Kết nối