ANH ĐÀI -
Mới đây, tôi được một người bạn tới dự sinh nhật tặng hai phiếu giảm giá có trị giá 700.000 đồng tại dịch vụ chăm sóc sắc đẹp trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) nhưng khi đến nơi mới biết hầu hết giá các dịch vụ ở đây không có cái nào dưới 2 triệu đồng.
Trở lại câu chuyện trên, cộng hai phiếu của tôi lại còn phải bù thêm ít nhất 1,3 triệu đồng nữa, trong khi những dịch vụ này ở nơi khác chỉ 1-1,5 triệu đồng. Nếu tôi không sử dụng phiếu này thì phí nên đành ngậm ngùi dùng một dịch vụ.
Không chỉ tôi mà một người bạn ở quận Bình Thạnh cũng dính chiêu lừa này, khi tới ăn ở một nhà hàng bên Thanh Đa, hầu hết món ăn và thức uống ở đây dù đã giảm giá vẫn ở mức quá cao. Nếu gọi món ăn, thức uống nào đó tạm gọi là rẻ trong thực đơn thì đa số nhân viên đều bảo đã hết hàng. Còn nếu được phục vụ thì thức ăn trong phiếu giảm giá cũng không ngon, khi tính tiền, giữa khách có phiếu và dùng tiền mặt cũng có sự “phân biệt đối xử” rất khó chịu.
Hình thức phiếu giảm giá này cũng giống như chiêu “khuyến mãi, giảm giá ảo”, tăng giá các sản phẩm lên cao rồi bắt đầu ghi giảm giá 30-70% để hút khách. Ở các voucher cũng vậy, như tăng giá lên 300.000 đồng rồi tặng phiếu giảm giá 200.000 đồng, cách làm như vậy không những hút được khách mà còn thu được tiền lời nhiều hơn bán bình thường.
Hiện có nhiều cách để mọi người mua được những voucher giá rẻ mà chất lượng tốt. Đó là tìm hiểu kỹ về cửa hàng tung ra voucher, xem voucher đó có thực sự cần thiết với bản thân không, tham khảo ý kiến bạn bè trước khi mua voucher nào đó… Ngoài ra, có một cách rất hợp lý song ít người áp dụng, đó là thay vì đặt mua các voucher giảm giá trên mạng, hãy thử “săn” phiếu giảm giá hoặc thẻ giảm giá ở các cửa hàng mới khai trương.