Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Triển lãm tranh bán vé bạc triệu: Cũ người mới ta

MỸ LOAN -

Trước và sau triển lãm Filters của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh và họa sĩ Lê Kinh Tài tại GEM Center, quận 1, TPHCM vào cuối tháng 10 vừa qua, nhiều người trong giới nghệ thuật vẫn đang tiếp tục bàn tán nhiều đến triển lãm tiền tỉ này, rằng địa điểm cho triển lãm khá sang trọng, tiền vé thì bạc triệu, rồi liệu nhà tổ chức UrbanArt gallery (cũng là nhà đầu tư) có tiếp tục tạo những sự kiện đình đám thế này cho mỹ thuật Việt Nam nữa hay không?

Nhưng dù ai có thắc mắc gì thì truyền thông và công chúng đều ít nhiều thừa nhận Filters đã mang đến điều mới mẻ cho mỹ thuật Việt Nam.

18Khách phải mua vé giá cao vào xem tranh tại phòng trưng bày triển lãm Filters. Ảnh: Mỹ Loan

Triển lãm tiền tỉ

Mỗi năm Sài Gòn có hàng chục triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, thường được tổ chức tại bảo tàng hoặc các phòng tranh như Sàn Art, Galerie Quỳnh, Tự Do, Hội Mỹ thuật TPHCM… với chi phí khoảng vài chục triệu đồng cho triển lãm 10 ngày hay một tháng hoặc hoàn toàn miễn phí. Lần này Filters được tổ chức tại Trung tâm tổ chức sự kiện GEM Center, nơi mà tiền thuê mặt bằng hàng trăm triệu đồng cho vài ngày tổ chức triển lãm trên một tầng tòa nhà. “Hội họa là nghệ thuật cao cấp, chính vì thế tôi muốn đưa các tác phẩm đến một nơi cao cấp thế này. Đồng thời chúng tôi muốn tạo một sự kiện đẳng cấp quốc tế cho hội họa Việt Nam”, đại diện ban tổ chức lý giải.

Triển lãm giới thiệu hơn 30 tác phẩm điêu khắc và hội họa với kích thước lớn của ba nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng là nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh và họa sĩ Lê Kinh Tài. Nhân dịp này UrbanArt, nhà tổ chức, cũng giới thiệu một không gian triển lãm hiện đại, mà họ giới thiệu là “mời gọi người xem bước vào để cùng chia sẻ niềm đam mê và cảm thụ nghệ thuật”.

Trong không gian rộng hàng trăm mét vuông đó, 30 tác phẩm trưng bày tại triển lãm cũng “hoành tráng” ở kích cỡ của bức tranh từ 3 m trở lên, và đây cũng là kích cỡ tác phẩm thuộc dạng lớn và với kích cỡ đó khó lòng mà trưng bày ở những không gian nhỏ hơn. “Thật sự rất ấn tượng khi được xem một triển lãm tầm cỡ thế này, các bức tranh lớn trong không gian rộng khiến người xem trở nên nhỏ bé, tác phẩm trở nên có trọng tâm hơn”, ông Nguyễn Văn Tùng, một vị khách xem triển lãm mô tả.

Tại Filters, hình ảnh và thông tin của các họa sĩ cũng được chú trọng với mỗi khu vực của họa sĩ, bức chân dung mỗi họa sĩ được phóng lớn, để trang trọng cùng với thông tin lý lịch, nghề nghiệp của họ. Như vậy đến triển lãm, dù là người lạ cũng dễ dàng nhận biết gương mặt họa sĩ trong đám đông đó mà không phải đi hỏi “ai là họa sĩ” như các triển lãm hay gặp ở Việt Nam lâu nay, để từ đó người xem có thể dễ dàng tiếp cận, trao đổi. “Đây là triển lãm tuyệt vời, cách tiếp cận công chúng của triển lãm mới lạ. Tôi nghĩ một triển lãm tầm cỡ thế này là một sự kiện quan trọng cho hội họa Việt Nam, tiềm ẩn một sự thành công nhất định cũng như khuyến khích các nhà sưu tập quốc tế”, ông Graeme Bird, nhà sưu tập người Úc chia sẻ.

“Nói thật, tôi đi xem triển lãm nhiều rồi, và tôi không xa lạ gì với các tác phẩm của ba tác giả này. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn bất ngờ khi được ngắm nhìn chúng trong một không gian chuẩn, đẹp như thế này”, ông Nguyễn Quốc, một vị khách cho biết.

Ai mua vé xem triển lãm?

Filters không chỉ gây sốc bởi chi phí tiền tỉ cho ba ngày triển lãm mà còn là việc lần đầu tiên một triển lãm tại Việt Nam bán vé rất cao, tới 3,6 triệu đồng cho đêm khai mạc cho những khách mời VIP và 250.000 đồng cho hai ngày mở cửa chính thức, trong khi các triển lãm ở trong nước lâu nay thường miễn phí, nếu có bán vé thì khoảng 5.000-20.000 đồng. “Vé bán rất tốt. Nhìn vào số lượng khách tại triển lãm cho thấy triển lãm đông bằng hoặc hơn các triển lãm miễn phí khác”, đại diện ban tổ chức cho biết. Thêm vào đó, toàn bộ số tiền bán vé được dùng để gây quỹ từ thiện, điều đó chứng tỏ rằng không phải họ cần bán vé để thu hồi vốn mà chỉ để muốn làm một triển lãm bài bản như các triển lãm lớn ở Singapore, Hồng Kông, Thái Lan hay Philippines.

Việc giá vé cao cũng khẳng định mỹ thuật hoàn toàn có thể là chuyện của thưởng lãm xa xỉ, chứ không chỉ văn nghệ xem cho vui, tụ tập gặp nhau tán gẫu như quan niệm của nhiều người trong giới. “Đối với các họa sĩ hay các tổ chức hội họa, các gallery, việc bán vé có thể là kinh phí cho hoạt động nghệ thuật tiếp theo, điều đó chẳng có gì là xấu, chỉ là do Việt Nam chưa có tiền lệ đó. Khi nghe UrbanArt bán vé giá cao, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, mời người ta đến triển lãm chưa chắc người ta đã đi, huống hồ gì là bán vé, mà còn bán vé mắc. Nhưng khi đi tham dự triển lãm, thấy phòng triển lãm đông đảo, tôi biết mình đã sai vì rất nhiều người yêu nghệ thuật và muốn đến thưởng lãm nghệ thuật trong một triển lãm chuyên nghiệp”, họa sĩ Nguyễn Chí Thanh đã nói sau khi xem triển lãm.

Đại diện ban tổ chức là UrbanArt thì cho rằng mình bán vé giá cao để làm từ thiện, thậm chí chấp nhận có thể không thành công về mặt thương mại, không bán được bức tranh nào. “Nhưng có thể thay đổi suy nghĩ của những người đam mê hội họa, những nhà sưu tập quốc tế biết rằng hội họa Việt Nam có những sự kiện tầm cỡ và có người dám bỏ tiền tỉ chỉ để nâng cao giá trị nghệ thuật, chúng tôi vẫn làm và sẽ tiếp tục làm”, đại diện UrbanArt cho hay.

Họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét triển lãm thành công một phần vì UrbanArt chọn kênh an toàn khi chọn các họa sĩ đã có tiếng tăm trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, những họa sĩ đã có nhiều triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế và ít nhiều có tầm ảnh hưởng đến nhiều lớp họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật. Ông nói: “Thành công lần này không nằm ở mặt nghệ thuật vì Bùi Hải Sơn, Lê Kinh Tài hay Nguyễn Quang Vinh đã có nền tảng nghệ thuật và quá trình hoạt động nghệ thuật vững chắc, có chăng là thăng hoa hơn trong một triển lãm tầm cỡ. Triển lãm lần này là một cú đánh mạnh vào mặt thị trường, khẳng định với người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập nước ngoài rằng thị trường Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được như các nước trong khu vực”.

Nhà sưu tập tranh Graeme Bird cho biết thêm, thời gian này các nhà sưu tập quốc tế gần như không chú ý đến thị trường Việt Nam nhưng nếu có một gallery có tiềm lực tài chính và tư duy đúng hướng thì chắc chắn sẽ làm nên một sự khác biệt lớn khiến các nhà sưu tập phải suy nghĩ lại.

Rồi đây trong giới hội họa và người yêu tranh sẽ có thể vẫn còn xì xào về Filters, về nhà tổ chức UrbanArt gallery. Tuy nhiên, dù là công chúng, nhà sưu tập hay các họa sĩ, điều chờ đợi kế tiếp là UrbanArt có tiếp tục đầu tư và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nghệ thuật tầm cỡ như thế để nâng tầm giá trị nghệ thuật của họa sĩ và thị trường hội họa Việt Nam nữa hay không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những câu chuyện về môi trường qua lăng kính nghệ thuật

0
(SGTT) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tại cuộc thi UOB Painting of...

MTA Vietnam 2024 trưng bày nhiều robot phục vụ ngành cơ...

0
Diễn ra từ ngày 2-7 đến 5-7 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Triển lãm MTA Vietnam...

Phát động cuộc thi vẽ UOB Painting of the Year lần...

0
(SGTT) - Ngày 7-5, Ngân hàng UOB Việt Nam chính thức phát động cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ hai tại...

Triển lãm ProPak Vietnam 2024: nhiều công nghệ đóng gói với...

0
Diễn ra từ ngày 3-4 đến 5-4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Triển lãm ProPak Vietnam...

Nhiều doanh nghiệp ngoại tạo điểm nhấn ở Food & Hotel...

0
Là sự kiện thường niên do Informa Markets Việt Nam tổ chức, Triển lãm Quốc tế lần thứ 12 về thực phẩm, đồ uống,...

Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam 2024 quy tụ hơn 60...

0
Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt...

Kết nối