TẤN PHÚ -
Hơn 40 năm đứng chân trên sân khấu cải lương với đủ các loại vai diễn, từ nhỏ đến lớn, thậm chí có lúc ông còn được “lên chức” với vai trò của một Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật của đoàn cải lương Hậu Giang II. Cứ tưởng số phận đã mỉm cười với ông cho đến cuối đời nhưng niềm vui ấy đến với ông chẳng được bao lâu thì đoàn cải lương giải thể do khó khăn và từ đây, ông lại lang thang, rồi bén duyên cùng điện ảnh.
Sinh năm 1933, vì mê hát cải lương nên ông rời quê nhà Bình Dương từ khi còn là một cậu bé để theo đoàn cải lương Thái Bình thời đó với công việc chính ban đầu là chân vai vặt cho đoàn hát và được giao đóng những vai phụ. Theo đoàn vài năm có kinh nghiệm diễn xuất, ông được ông bầu của đoàn Hữu Chí giao cho đóng vai chính và đổi tên cu Lắc (tên cúng cơm do cha mẹ đặt) thành Hữu Thành. Chẳng những giao cho đóng vai chính, ông bầu của đoàn còn thương tình gả luôn con gái cho ông. Theo chân các đoàn hát, ông lang bạt khắp các tỉnh miền Tây, đến khi nghề hát không còn đủ nuôi sống gia đình, năm 1993 ông trở lại Sài Gòn và hai năm sau ông bắt đầu bén duyên cùng điện ảnh.
Cũng từ khi bước chân vào điện ảnh đến nay, ông chỉ được giao đóng toàn vai phụ, nên cái biệt danh “ông già chuyên đóng vai phụ” cũng từ đó mà ra. Tuy đóng vai phụ nhưng những vai của ông luôn mang đến cho người xem sự đồng cảm, bởi lối diễn xuất mộc mạc để lại dấu ấn trong lòng người xem qua các vai như ông Mộc trong phim Dấu chân du mục hay vai Định trong Mùa len trâu.
Trong giới điện ảnh, tuy không có ai thống kê nhưng lúc trà dư tửu hậu, gần như ai cũng nói trong làng điện ảnh Việt Nam, người đóng vai phụ nhiều nhất là cố nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng, sau đó là Mai Thành và cuối cùng là ông, người nghệ sĩ già Nguyễn Hữu Thành. “Tính từ lúc bắt đầu đóng phim từ năm 1995 đến nay, tôi đã đóng hơn 100 tập phim rồi, nhưng phim nào tôi cũng được giao đóng vai phụ hết. Tôi không quan niệm là vai chính hay vai phụ, đối với tôi miễn sao có vai diễn là vui rồi”, ông nói. Bởi theo ông, ngoài niềm vui được sống với nghề diễn, ông còn có thu nhập để trang trải tiền nhà trọ, điện nước và sinh hoạt hàng ngày.
“Tiền cát xê mỗi phân đoạn người ta trả cho 500.000 đồng nhưng đâu phải lúc nào cũng có phim, hơn nửa tháng nay thất nghiệp nằm chèo queo ở nhà”, ông buồn buồn cho hay.
Theo ông, nghề làm diễn viên chuyên đóng các vai phụ rất cực khổ và nguy hiểm hơn vai chính, vì những cảnh quay nguy hiểm do vai chính đóng thường có người đóng thế, còn diễn viên đóng vai phụ như ông phải tự lo. “Như lúc tham gia bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi vào vai một ngư dân chèo thuyền ra biển tiếp tế cho các chiến sĩ cách mạng, đang chèo thuyền thì mấy lần bị sóng đánh may chút nữa thì lật. Cảnh quay đó tôi tưởng mình bỏ xác trên biển rồi”, ông nhớ lại.
Không sướng như nghề làm sân khấu, nghề làm diễn viên điện ảnh, theo tâm sự của ông, vất vả hơn nhiều, vì mỗi lần có vai diễn, nhất là những vai có cảnh quay ở những nơi thâm sơn cùng cốc, ông phải trèo đèo, lội suối, thậm chí là sống trên rừng trên núi, giữa đồng không mông quạnh cả tháng trời cho đến khi đoàn phim đóng máy ông mới được về lại Sài Gòn.
“Làm nghề này không giàu nổi, tôi mong sao có sức khỏe để khi có đoàn làm phim gọi đi quay là đi liền, chứ có phim mà không có sức khỏe cũng không ai kêu”, ông nói. Tuy tuổi đã già và nghề đóng vai phụ như ông vất vả là vậy nhưng ông cười: “Tôi sống được đến ngày hôm nay cũng nhờ cái nghề này, nên dù có khó khăn cỡ nào tôi cũng phải theo nó cho đến ngày cuối đời, chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay, ngọn lửa của nghề trong người tôi mới tắt”.
Hơn nửa cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, từ cải lương đến điện ảnh, nhưng đến nay ông vẫn sống trong những căn nhà trọ rày đây mai đó và mỗi tối, ông lại rong ruổi trên chiếc xe gắn máy đi hát kiếm sống qua ngày trong những nhà hàng, quán nhậu. Giấc mơ của ông lão nghệ sĩ hơn 80 tuổi đơn giản chỉ là có một căn nhà cho riêng mình.