KIM AN -
Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách trích xuất tinh chất và chiết cây chanh dại để tổng hợp chất chống ung thư.
Có một loại thực vật quý hiếm, sinh trưởng tại nơi có độ cao 4.000 m so với mực nước biển, đó là chanh dại (mayapple) Hy Mã Lạp Sơn. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục cố gắng gieo trồng loại cây này bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), loại cây có trái rất độc này lại sản sinh ra podophyllotoxin, hợp chất căn bản tạo ra etoposide, là chất cần thiết dùng trong chữa trị nhiều bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu hiện đã xác định được thành phần gen của loại cây này và có thể tạo ra thành phần chính để ghép chúng với một loại cây trồng khác phổ biến hơn, có nghĩa là về lý thuyết, chất etoposide có thể sản xuất với giá thành rẻ và số lượng lớn.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Standford cho biết chỉ khi lá của cây chanh dại bị hư, thối thì cây mới tạo ra chất podophyllotoxin để chống hư tổn. Vì vậy, các nhà khoa học đâm lủng lá cây và theo dõi thấy có đến 31 loại protein mới được tạo thành. Cuối cùng, họ tổng hợp được 10 loại protein sản sinh ra chất podophyllotozin. Sau đó, họ truyền những protein này vào các loại cây thông dụng thay thế có giá thành thấp hơn. Nhưng điều nực cười là họ lại chọn cây Nicotiana benthamiana, một loại cây có họ hàng gần với cây thuốc lá. Theo một trợ lý của nhóm nghiên cứu tại Standford, họ sử dụng các loại cây có họ hàng với cây thuốc lá bởi vì những giống cây này được các nhà thực vật học dùng để nghiên cứu rất nhiều và dễ cấy ghép.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là phát triển được thuốc chống ung thư theo dạng thuốc sinh học, kiểu như một loại men sinh học. Đó là cách mà các nhà khoa học đã từng chế ra được artemisinin, thuốc do WHO đề nghị sử dụng để trị bệnh sốt rét; hay như chất hydrocodone, loại thuốc giảm đau gần giống morphine.
Kỹ thuật nhận diện enzym trong nghiên cứu trên của trường Đại học Standford mới chỉ lần đầu được ứng dụng, và có tiềm năng trở thành kỹ thuật mới để bào chế ra nhiều loại thuốc cần thiết khác. Ví dụ, chất paclitaxel (có trong thuốc có nhãn là Taxol), dùng để chữa ung thư buồng trứng, ung thư vú và các tế bào ung thư phổi, chiết ra từ vỏ và gai của một số loại cây thủy tùng. Cần xấp xỉ 9 kg vỏ khô để bào chế ra khoảng 1 kg Taxol, nhưng mỗi cây chỉ cho ra khoảng 1 kg vỏ cây. Do vậy, việc chiết xuất tinh chất từ cây cỏ để sản xuất nhiều loại thuốc trị ung thư rất khó khăn nên rất khó kiếm được nguồn cung cấp lớn. Nếu có thể cấy ghép được các loại cây quý hiếm với loại cây dễ trồng để trích xuất được những tinh chất cần thiết cho y học sẽ có thể là bước đột phá trong y học và dược phẩm.